Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 6-12 tháng tuổi sẽ khác so với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh. Ở giai đoạn từ 6 tháng trở đi, cơ thể trẻ phát triển nhiều hơn, lớn nhanh hơn và bởi vậy sẽ cần nhiều năng lượng, lúc này, bé sẽ cần nhiều dưỡng chất hơn để phát triển ổn định. Trẻ cũng sẽ bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 6 để bổ sung dưỡng chất từ các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.
Việc xác định nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi là vô cùng quan trọng và cần thiết. Hãy tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này qua bài viết của BookingCare.
Thời điểm ăn dặm phù hợp cho trẻ
Tháng thứ 6 là thời điểm quan trọng khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Lúc này, lượng protein và kháng thể trong sữa mẹ giảm đi đáng kể, việc bắt đầu cho bé làm quen với ăn dặm và bổ sung thêm dinh dưỡng từ tháng thứ 7 trở đi là cần thiết. Đây là giai đoạn quan trọng để bổ sung dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ cần lựa thực phẩm phù hợp và xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé.
Không nên cho bé ăn dặm dưới 6 tháng tuổi vì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ, cần phải được hướng dẫn và có chỉ định cẩn thận từ bác sĩ.
Nhu cầu dinh dưỡng ăn dặm cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi
Trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi là trẻ trong độ tuổi bắt đầu tập ăn dặm và ăn dặm, trẻ có thể không ăn được nhiều và yêu cầu các món ăn phải chế biến mềm và kỹ, bởi vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong độ tuổi này khác với dinh dưỡng cho trẻ từ 1 tuổi hay dinh dưỡng cho trẻ từ 2 - 5 tuổi.
Giai đoạn tập ăn dặm từ 5,5 - 6 tháng tuổi
Đây là giai đoạn bé tập ăn dặm và có thể có bữa ăn dặm đầu tiên. Mẹ nên cho các bé bắt đầu ăn từng lượng nhỏ khoảng 5 - 10ml (1 - 2 muỗng cà phê) để các bé làm quen và sau đó mới tăng lên 30 - 45ml mỗi ngày tùy từng bé, không nên ép các bé ăn quá nhiều hay ăn theo định mức đã đặt ra.
Dạ dày bé cũng còn nhỏ nên cần thời gian để hoạt động và tiêu hóa thức ăn, bởi vậy chỉ nên ăn dặm khoảng 2 bữa mỗi ngày và bữa trước cách xa bữa sau.
Các thực phẩm mẹ có thể chọn như: trái cây, rau củ quả, ngũ cốc, thịt, sữa chua, phô mai, chế biến kết hợp:
- Khoai lang, bí đỏ, cà rốt, bơ, chuối,... nghiền trộn với bột hoặc sữa công thức.
- Nấu cháo với các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, cải bó xôi, su su, đậu xanh, hạt sen,...
- Sữa chua và sinh tố hoa quả từ sữa công thức.
- Các loại hoa quả, rau củ nghiền,…
Giai đoạn ăn dặm chính 7 - 12 tháng tuổi
- Giai đoạn bé từ 7 - 8 tháng:
- Các bé ở độ tuổi này vẫn cần bú sữa mẹ nhưng lượng sữa và số lần bú sẽ giảm dần, các bé cần bổ sung dinh dưỡng từ các thực phẩm ngoài nhiều hơn. Bé nên ăn dặm 2 bữa mỗi ngày, và trước khi ăn, các bé cũng cần được làm quen với thức ăn mới.
- Ngoài ra, trong thời gian này, bé bắt đầu có thể ăn thịt cá, các loại thịt, thịt đỏ, cần ăn cả rau xanh, củ quả, 10 - 15 gam đạm, 50 - 80 gam cháo mỗi bữa.
- Các mẹ có thể chế biến kết hợp và thay đổi món ăn mỗi bữa:
- Nấu súp kết hợp với các loại củ quả nghiền như cà rốt, khoai tây,...
- Nấu cháo từ gạo hoặc yến mạch, bỏ thêm các loại rau, củ quả: cà rốt, bí đỏ, cải,... và các loại thịt cá: thịt lợn nạc, thịt gà, cá,...
- Giai đoạn bé từ 9 - 10 tháng:
- Đây là giai đoạn các bé bắt đầu mọc răng sữa, bởi vậy, các bé có thể nhai các thực phẩm mềm, bé cũng đã ăn quen hầu hết với các thực phẩm ăn dặm (rau, củ quả, thịt, cá,...). Mỗi bữa, bé cần được ăn 90 - 100 gam tinh bột, 15 - 18g đạm từ thịt, cá, 30 - 40g trái cây, rau củ,...
- Nên cho trẻ ăn 2 - 3 bữa một ngày kết hợp với bú sữa mẹ.
- Thực đơn các mẹ có thể tham khảo để chế biến và thay đổi món ăn mỗi bữa cho bé: Chế biến các loại cháo với rau củ quả (mướp, đậu, bí đỏ, cải, khoai lang,...) và thêm các loại thịt gà thịt lợn hay cá, trứng gà xay nhuyễn.
- Giai đoạn bé từ 11 - 12 tháng:
- 11 - 12 tháng tuổi, bé đã mọc răng và có thể nhai các loại thực phẩm, bởi vậy khi chế biến đồ ăn, mẹ không cần phải xay quá nhuyễn.
- Mẹ nên cho trẻ ăn 3 - 4 bữa một ngày và kết hợp với 1 bữa bú sữa. Thức ăn cũng có thể thái nhỏ cho trẻ cầm ăn hoặc chế biến cùng với cháo.
- Thực đơn chế biến cũng cần đa dạng và thay đổi theo các bữa ăn: Cháo hay súp kết hợp với các loại rau củ thái nhỏ (bí đỏ, khoai lang,...) kết hợp thêm cả các loại thịt, cá. Bánh ăn dặm cho trẻ.
Những lưu ý về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ 6 - 12 tháng tuổi
Trẻ trong độ tuổi từ 6 - 12 tháng thì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng, tuy nhiên, trẻ càng lớn dần càng đòi hỏi thêm các nguồn dinh dưỡng khác, lúc này, chỉ sữa mẹ không đủ, cần cho bé tập ăn thức ăn đặc ngoài sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của bé.
Trẻ có thể ăn những bữa ăn dặm đầu tiên sau khi bú mẹ, hay giữa các bữa bú.
Bé 6 tháng tuổi cần tập nhai. Và thức ăn cho bé tập ăn dặm cũng cần phải mềm và dễ nuốt như cháo hoặc rau củ quả nghiền nhuyễn. Tuy nhiên, cháo không nên để quá nhiều nước, như vậy sẽ không có nhiều chất dinh dưỡng, vì vậy hãy nấu cho đến khi đủ đặc để không bị chảy ra thìa.
Dạ dày của bé lúc này còn nhỏ nên mỗi bữa chỉ có thể ăn một lượng nhỏ. Khi bé lớn hơn, dạ dày cũng phát triển hơn và có thể ăn được lượng nhiều thức ăn mỗi bữa.
Việc kiên nhẫn để bé tập nhai và làm quen với thức ăn cũng rất quan trọng, không nên ép bé ăn quá nhiều.
Những điều cần lưu ý khi chế biến thực phẩm ăn dặm cho trẻ
- Lựa chọn thực phẩm hợp lý: Với các bé mới tập ăn dặm (đồ ăn đặc), nên cho bé ăn ít và đơn giản và cần xay nhuyễn, mịn đồ ăn. Các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể tham khảo cho bé ăn: ngũ cốc, chuối, bơ, táo, bí ngô,..., đừng quên các thực phẩm thịt lợn, bò, gà hay hải sản,... (giàu kẽm, sắt, canxi, folat, vitamin A). Tránh các loại bánh quá cứng, giàu mỡ, hương vị quá mạnh.
- Rã đông đúng cách: Cách tốt nhất để rã đông thực phẩm là chuyển từ ngăn đông xuống ngăn mát trước khi chế biến trong khoảng 4-5 giờ, giúp bảo quản độ tươi ngon và dưỡng chất của thực phẩm. Tránh rã đông bằng nước nóng hoặc nhiệt độ phòng, cách rã đông này khiến thực phẩm nhiễm khuẩn và mất chất dinh dưỡng.
- Không nên sử dụng đồ ăn hâm lại nhiều lần: Hâm nóng đồ ăn nhiều lần làm mất giá trị dinh dưỡng, mất đi độ thơm ngon ban đầu của món ăn và bởi vậy bé không còn hứng thú với món ăn được ăn nhiều lần.
- Chế biến món ăn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm: Cần chọn những thực phẩm tươi ngon, rõ nguồn gốc xuất xứ, không có các tác nhân gây bệnh hoặc hóa chất độc hại. Xương hoặc các phần cứng (cá gỡ xương, tôm cắt râu, bóc vỏ, xay nhuyễn thịt).
- Bảo quản thực phẩm đúng cách:
- Các thực phẩm ăn dặm cho trẻ nên cho vào các hộp nhựa, lọ thủy tinh có chú thích loại thức ăn và hạn sử dụng rõ ràng, sau đó cất trong ngăn mát (để được khoảng hai ngày) hoặc ngăn đá tủ lạnh (bảo quản được khoảng 1 tháng).
- Có thể hâm thức ăn bằng lò vi sóng hoặc đặt bếp đun, bên cạnh đó mẹ nên chắc chắn rằng nhiệt độ phù hợp với bé và tránh để bé bị bỏng. Nếu bé không ăn hết, thì nên bỏ đi, không nên lưu trữ lại để tránh nguy cơ gây bệnh.
Cha mẹ cần xác định rõ nhu cầu dinh dưỡng của con để kịp thời cung cấp đầy đủ nguồn dưỡng chất cho trẻ phát triển toàn diện trong giai đoạn này. Phụ huynh cần xây dựng một thực đơn lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng, chế biến hợp lý và thay đổi món ăn mỗi ngày để phù hợp với từng bé của mình.