Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi các bác sĩ làm việc tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Xạ trị là một phương pháp điều trị hiệu quả cao đối với những bệnh nhân ung thư đặc biệt là những bệnh nhân không được chỉ định hoặc không muốn phẫu thuật. Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị 1 lần trong ngày và chạy liên tục từ thứ 2 đến thứ 6.
1. Xạ trị ung thư
Xạ trị là một trong những phương pháp để điều trị ung thư bằng việc sử dụng các chùm tia có năng lượng cao tác động vào các khối u giúp tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư.
Phương pháp xạ trị có thể được dùng độc lập trong điều trị hoặc phối hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, hóa trị liệu...
2. Quy trình xạ trị
2.1. Thăm khám và giải thích cho bệnh nhân về quy trình xạ trị
Việc thăm khám đầu tiên vô cùng quan trọng, sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng hiện tại của bệnh nhân cũng như khối u để đưa ra hướng điều trị thích hợp, giúp cho việc tiên lượng bệnh cũng dễ dàng hơn.
Lưu ý khi thăm khám bệnh nhân:
- Chú ý đến tiền sử bệnh tật.
- Thăm khám kỹ các triệu chứng lâm sàng.
- Phân tích kỹ về các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để có thể chẩn đoán, tiên lượng chính xác.
Sau khi thăm khám và tư vấn điều trị, giải thích cho bệnh nhân hiểu về phương pháp cũng như quy trình xạ trị ung thư. Thông tin cung cấp cho bệnh nhân cần phải đầy đủ và chính xác:
- Thời gian trị liệu.
- Số ngày điều trị dự kiến và khoảng cách giữa các lần điều trị.
- Ngày dự kiến tiến hành buổi trị liệu đầu tiên.
- Những thứ cần chuẩn bị cho quá trình trị liệu.
- Chế độ ăn uống dinh dưỡng, chăm sóc trong và sau quá trình xạ trị.
- Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình xạ trị.
2.2. Chụp CT mô phỏng
Chụp CT mô phỏng ở tư thế điều trị là quét phần cơ thể của bệnh nhân sẽ được xạ trị trên máy chụp CT ở tư thế mà sẽ sử dụng để điều trị xạ cho bệnh nhân. Mục đích của công đoạn này là cung cấp một cách chính xác hình ảnh ba chiều của cơ thể bệnh nhân được điều trị để dựa vào đó, bác sĩ và các chuyên gia có thể thiết lập hình ảnh 3D trên hệ thống lập kế hoạch điều trị.
Lưu ý trong quá trình chụp, kỹ thuật viên có thể sử dụng các phụ kiện hỗ trợ như gối, mặt nạ, bàn kê...để thuận tiện cho việc chụp đạt được kết quả chính xác nhất.
Kỹ thuật viên có thể xăm trên da của bệnh nhân một vài dấu xăm nhỏ để đánh dấu như những điểm tham chiếu trong mỗi lần đặt bệnh nhân vào xạ trị.
2.3. Xây dựng hình ảnh 3D của bệnh nhân dựa trên hình ảnh chụp CT
Sau khi đã có phim chụp CT, các chuyên viên sẽ dựa vào đó để thiết lập một hình ảnh 3D của bệnh nhân trên hệ thống kế hoạch điều trị. Trên hình ảnh 3D này đã được vẽ đầy đủ và xác định vị trí chính xác của những khối u với những cấu trúc quan trọng xung quanh nó. Điều này sẽ giúp bác sĩ trị liệu định hướng được vùng chiếu xạ, tạo thuận lợi cho quá trình trị liệu được tối ưu.
2.4. Lập kế hoạch điều trị
Khi đã có được hình ảnh cũng như vị trí chính xác của những vùng xạ trị, bác sĩ và các kỹ sư vật lý sẽ thiết lập một kế hoạch điều trị cho bệnh nhân bao gồm tất cả các yếu tố về thông tin bệnh nhân, tình trạng sức khỏe, thời gian trị liệu, liều lượng bức xạ sử dụng và chăm sóc trong suốt quá trình trị liệu. Tuy nhiên, để có thể tiến hành buổi trị liệu đầu tiên, bệnh nhân thường sẽ phải chờ một thời gian sau khi được chụp CT để các bác sĩ, chuyên gia có thời gian lên kế hoạch chất lượng nhất cho bệnh nhân.
2.5. Tiến hành trị liệu
Khi kế hoạch điều trị đã được thiết lập, phía bệnh viện sẽ thông báo cho bệnh nhân về việc tiến hành buổi trị liệu đầu tiên. Buổi trị liệu đầu tiên rất quan trọng và thường diễn ra trong thời gian dài hơn so với các buổi sau. Bác sĩ và chuyên viên cần tiến hành đo đạc và kiểm tra lại bệnh nhân trước khi tiến hành chạy xạ.
Lưu ý về các điểm chạy xạ trị đã được kỹ thuật viên đánh dấu
Vì là lần đầu chạy xạ trị đầu tiên nên cần theo dõi kỹ các phản ứng của bệnh nhân sau khi xạ trị để có thể kịp thời xử lý các biến chứng sớm xảy ra. Đồng thời có thể giúp bác sĩ định hướng cho các lần xạ trị sau được tốt hơn. Quá trình xạ trị dài hay ngắn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân và khối u. Tuy nhiên từ những buổi đầu, các bác sĩ vẫn sẽ tiên lượng liệu trình trong một thời gian nhất định. Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị 1 lần trong ngày và chạy liên tục từ thứ 2 đến thứ 6.
Quá trình điều trị có thể kéo dài đến vài tuần tùy theo đáp ứng của bệnh nhân với liệu pháp. Các buổi xạ trị đều giống nhau nhưng buổi đầu tiên thường sẽ mất nhiều thời gian hơn do phải thăm khám và kiểm tra lại bệnh nhân trước khi tiến hành xạ.
Lưu ý trong các buổi trị liệu đều phải chụp lại CT cho bệnh nhân và lưu lại toàn bộ thông tin hồ sơ để tiện cho việc chăm sóc và theo dõi bệnh nhân. Xạ trị điều trị ung thư là một phương pháp được ứng dụng phương pháp ứng dụng phổ biến trong y khoa. Hiện tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã ứng dụng phương pháp này điều trị thành công cho rất nhiều trường hợp ung thư giúp giảm thiểu các triệu chứng lâm sàng và hạn chế sự di căn ung thư.
Khoa Ung bướu tại Vinmec Central Park trang bị đầy đủ các mô thức điều trị ung thư: Từ phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, phẫu xạ trị.... điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ. Việc chẩn đoán được thực hiện cẩn trọng: Xét nghiệm máu, chụp X- quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm tủy huyết đồ, tủy đồ, sinh thiết, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, chẩn đoán bằng sinh học phân tử.
Quá trình điều trị được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa: Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm cận lâm sàng, Tim mạch, Khoa Sản phụ, Khoa nội tiết, Khoa Phục hồi chức năng, Khoa tâm lý, Khoa Dinh dưỡng, Khoa Điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ, nhằm mang đến cho bệnh nhân phác đồ chữa trị tối ưu và chi phí hợp lí nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.