Ung thư vòm họng giai đoạn cuối có tiên lượng xấu, việc điều trị khó khăn bởi các tế bào ung thư ác tính đã di căn đến các cơ quan khác và phá hủy hạch bạch huyết. Các triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn cuối thường nghiêm trọng khiến việc điều trị khó khăn, cần phối hợp nhiều phương pháp để gia tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân. Vậy, bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn 4 được điều trị ra sao? Tiên lượng sống ra sao? Chuyên gia VNVC sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn qua bài viết này.
“Ung thư vòm họng ở Việt Nam chiếm tỷ lệ cao, đứng đầu trong các bệnh lý ung thư đầu cổ và đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư phổ biến nói chung.Các giai đoạn của ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là một trong các bệnh lý ung thư ác tính vùng đầu cổ phổ biến. Bệnh thường khó được phát hiện ở giai đoạn sớm bởi các dấu hiệu mơ hồ, không rõ nét khiến người bệnh chủ quan, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư vòm họng có gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ giới nhưng phổ biến nhất là ở nam giới từ 40-60 tuổi. Đến nay, vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây ra các đột biến gen dẫn đến ung thư vòm họng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ một số nhóm nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây ung thư vòm họng, bao gồm:
- Virus: Ung thư vòm họng được cho là có liên quan đến virus Epstein - Barr hoặc HPV các type nguy cơ cao như HPV type 16 và HPV type 18. EBV được cho là có thể làm thay đổi cấu trúc gen trong các tế bào, khiến chúng dễ trở thành tế bào ung thư hơn.
- Khu vực: Những người sống ở Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc và Bắc Phi có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn. Những người châu Á nhập cư vào Hoa Kỳ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người châu Á được sinh ra tại Mỹ.
- Thói quen ăn uống: Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh cho biết những loại thực phẩm có chứa nhiều chất nitrosamine có trong thịt, cá, trứng muối (được xử lý và bảo quản bằng muối) hoặc các thực phẩm lên men chua như dưa khú, dưa chua làm tăng đáng kể khả năng mắc ung thư vòm họng. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo, chế độ ăn uống giàu rau xanh, trái cây có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Thói quen sinh hoạt: những đối tượng thường sử dụng chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc nhiều cũng có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng. Nghiên cứu chỉ ra những người hút thuốc lá trong thời gian dài (30 năm trở lên) có nguy cơ mắc ung thư vòm họng gấp 3 lần người bình thường. Khói thuốc lá có hơn 70.000 hóa chất, trong đó có nhiều hóa chất độc hại.Người hút thuốc chủ động hít những hóa chất độc hại nào thì người hút thuốc bị động (tức ngửi mùi thuốc) cũng hít phải những hóa chất tương tự. Điều đó có nghĩa là, nếu sống trong môi trường có nhiều khói thuốc lá, thì ngay cả khi không hút thuốc cũng có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn bình thường.
Ung thư vòm họng được phân chia là các giai đoạn như sau:
- Ung thư vòm họng giai đoạn 0: Được biết đến là ung thư biểu mô tại chỗ.
- Ung thư vòm họng giai đoạn 1: Ở giai đoạn đầu bệnh các triệu chứng mơ hồ, không rõ nét dễ nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp. Lúc này, tế bào ung thư đang khu trú tại vòm họng và chưa di căn đến các cơ quan xa hoặc hạch bạch huyết của cơ thể. Tế bào ung thư nhỏ hơn hoặc bằng 2 cm.
- Ung thư vòm họng giai đoạn 2: Ở giai đoạn này các tế bào ung thư lớn hơn 2cm nhưng không lớn hơn 4cm, có thể đã lan đến các hạch bạch huyết và mô lân cận. Tuy nhiên chưa lây lan đến các cơ quan xa.
- Ung thư vòm họng giai đoạn 3: Đây là giai đoạn tiến triển của kích thước khối u, có thể lớn hơn 4cm và mức độ lan rộng đến các vùng lân cận, các hạch bạch huyết và/hoặc các cơ quan xa của cơ thể.
- Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối nguy hiểm, được chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn là IVA và IVB.
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối diễn tiến như thế nào?
Tương tự như các bệnh lý ung thư ác tính khác, các tế bào của ung thư vòm họng cũng có khả năng phát triển, xâm lấn và di căn đến các vùng lân cận khác trong cơ thể. Sự tiến triển của các khối u còn tùy thuộc vào hệ miễn dịch, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân có đáp ứng được các phương pháp điều trị được đưa ra hay không. Đối với trường hợp ung thư vòm họng giai đoạn cuối, các khối u đã phát triển lớn và di căn rộng khiến người bệnh suy sụp hoàn toàn về thể trạng cũng như các chức năng của hệ miễn dịch. Cụ thể:
1. Giai đoạn IVA (chưa di căn xa)
- Tế bào ung thư có kích thước lớn hơn 6cm di căn đến các hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên;
- Hoặc tế bào ung thư di căn đến các hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên, đồng thời những hạch này nằm ở vùng thấp của cổ);
- Hoặc tế bào ung thư vòm họng phát triển lớn xâm lấn vào hộp sọ, chèn ép dây thần kinh sọ, hạ họng, tuyến nước bọt chính, xương ổ mắt hoặc mô mềm của hàm. [1]
2. Giai đoạn IVB (di căn xa)
Đây là giai đoạn ung thư vòm họng đã lây lan, di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Dựa trên số liệu của cơ quan Giám sát, dịch tễ học và kết cục, Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) đã chia ung thư vòm họng thành 3 nhóm:
- Tại chỗ: Không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ung thư đã lây lan ra ngoài vùng vòm họng.
- Tại vùng: Các tế bào ung thư đã lan ra ngoài vòm họng đến các cấu trúc và hạch bạch huyết lân cận.
- Di căn xa: Các tế bào ung thư vòm họng đã lây lan đến các bộ phận xa của cơ thể điển hình như, xương, gan hoặc phổi. [2]
Các triệu chứng nặng nề của ung thư vòm họng giai đoạn 4
Tương tự các loại ung thư đầu cổ, ung thư vòm họng giai đoạn 4 tế bào ung thư ác tính đã phát triển mạnh và lây lan đến những bộ phận trong cơ thể. Vào giai đoạn cuối, thể trạng người mắc ung thư vòm họng gần như đã suy kiệt hoàn toàn và chức năng hệ miễn dịch không còn như trước. Lúc này, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng nặng nề như:
1. Triệu chứng ở mũi
Tế bào ung thư phát triển lớn khiến người bệnh nghẹt mũi kèm chảy dịch, máu và mủ, đồng thời những vùng mô lân cận bị hoại tử.
2. Triệu chứng ở tai
Người bệnh bị giảm thính lực, liên tục bị ù tai, một số trường hợp chuyển biến nặng còn có thể gây điếc, nếu khám sẽ thấy viêm tai kèm dịch mủ và mùi hôi.
3. Triệu chứng ở mắt
Dây thần kinh chi phối vận động mắt bị chèn ép, xâm lấn bởi các tế bào ung thư làm bệnh nhân bị sụp mí, lác (lé), mắt bị lồi, nhìn đôi, giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn.
4. Các triệu chứng hạch ở cổ
Đây là một trong những triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn cuối điển hình, thống kê cho thấy hơn một nửa các trường hợp đến khám bệnh có thể phát hiện hạch cổ trước khi phát hiện ra tổn thương nguyên phát ở vòm họng. Ở giai đoạn này các hạch cổ phát triển với kích thước lớn (thường là hạch cổ cao, xuất hiện một hoặc cả hai bên cổ), không gây đau, sờ thấy sần cứng.
5. Triệu chứng thần kinh sọ não
Các triệu chứng thần kinh thường gặp ở giai đoạn này là liệt các dây thần kinh sọ, có thể liệt đơn lẻ hoặc liệt đồng thời nhiều dây nếu khối u ở giai đoạn lây lan mạnh mẽ.
6. Những cơn đau khác
Vào giai đoạn cuối, thể trạng người mắc ung thư vòm họng gần như đã suy kiệt hoàn toàn và chức năng hệ miễn dịch không còn như trước, lúc này người bệnh có thể thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn dẫn đến sụt cân nhanh chóng, kèm theo đó là các cơn đau khác có thể xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, đau xương (trường hợp tế bào ung thư di căn đến xương).
Ung thư vòm họng giai đoạn 4 được đánh giá là rất nguy hiểm, ngoài các triệu chứng nặng nề xuất hiện, người bệnh có khả năng tử vong cao, xảy ra bất kỳ lúc nào khó lường trước được.
Hình ảnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Để chẩn đoán chính xác một người có đang ở giai đoạn cuối của ung thư vòm họng hay không, các bác sĩ cần tiến hành thăm khám tổng quát vùng đầu cổ và thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:
1. Khám toàn diện phần đầu và cổ
Khám toàn diện phần đầu cổ để tìm ra những vị trí có dấu hiệu bất thường. Trong đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ vùng cổ hai bên để tìm xem có hạch to hay không. Hơn nữa, do cấu tạo vòm họng khó quan sát bằng mắt thường nên bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt như đèn, ống soi có gắn đèn, gương để thăm khám, quan sát vùng vòm họng được rõ hơn.
2. Nội soi, sinh thiết
Đối với người mắc ung thư nói chung và ung thư vòm họng giai đoạn cuối nói riêng, thực hiện nội soi Tai - Mũi - Họng là xét nghiệm không thể thiếu. Phương pháp này có vai trò giúp bác sĩ xác định và tìm ra vùng ung thư chính xác hơn. Nếu nghi ngờ có tổn thương, người bệnh sẽ được chỉ định sinh thiết một mẫu nhỏ để thực hiện xét nghiệm người bệnh có mắc ung thư hay không.
3. Thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh
Khi đã xác định người bệnh mắc ung thư vòm họng giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT scan - cắt lớp vi tính, MRI - cộng hưởng từ, X-quang, PET để xác định mức độ tổn thương của bệnh, từ đó đưa ra hướng điều trị hợp lý giúp kéo dài sự sống cho người bệnh. Cụ thể:
- Phương pháp chụp CT scan - cắt lớp vi tính: nhờ hình ảnh giải phẫu rõ nét, bác sĩ có thể xác định tế bào ung thư di căn đến gan, phổi cũng như nhiều cơ quan khác trong cơ thể;
- Phương pháp chụp MRI - cộng hưởng từ: giúp bác sĩ đánh giá kích thước các khối u đồng thời tìm ra các khối u di căn;
- Phương pháp chụp X-quang: được chỉ định để kiểm tra mức độ ung thư và di căn như thế nào;
- Phương pháp chụp PET: được áp dụng trong trường hợp bác sĩ thấy có dấu hiệu nghi ngờ ung thư vòm họng giai đoạn cuối di căn nhưng chưa thể tìm ra được vị trí tế bào ung thư di căn cụ thể.
6. Ung thư vòm họng giai đoạn 4 có thể chữa được không?
TÙY TRƯỜNG HỢP! BS. Phan Nguyễn Trường Giang, Quản lý Y khoa Khu vực Mekong, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết ung thư vòm họng giai đoạn 4 các tế bào ung thư đã phát triển mạnh mẽ, xâm lấn và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như gan, phổi, xương,.. khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn và cản trở.
Nếu thể trạng và hệ miễn dịch người bệnh không đủ khỏe để đáp ứng các phương pháp điều trị thì hiệu quả mang lại sẽ rất thấp. Việc phát hiện sớm ung thư vòm họng giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị, từ đó kéo dài tỷ lệ sống cho bệnh nhân.
Cách điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 4
Như thông tin ở trên, ung thư vòm họng giai đoạn cuối gồm hai giai đoạn: IVA (chưa di căn) và IVB (đã di căn). Bác sĩ sẽ dựa vào thể trạng người bệnh và mức độ tổn thương để xác định phương pháp điều trị phù hợp. Hầu hết các phương pháp điều trị ung thư giai đoạn cuối có mục đích chung là giảm nhẹ triệu chứng, các cơn đau từ đó kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Cụ thể:
1. Cách điều trị đối với giai đoạn IVA
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối nếu các tế bào ung thư được xác định chưa di căn xa thì có thể điều trị bằng phương pháp xạ trị. Bác sĩ sẽ dùng tia X có năng lượng cao chiếu vào vùng ung thư nhằm giảm kích thước, ức chế khả năng nhân lên và ngăn chặn tế bào ung thư phát triển.
Người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị như mệt mỏi, cơ thể suy nhược, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn. Tuy nhiên, những tác dụng phụ không mong muốn này sẽ mất dần sau khi kết thúc liệu trình điều trị xạ trị.
2. Cách điều trị ở giai đoạn IVB
Ở giai đoạn IVB, lúc này các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể như hạch bạch huyết, não, xương, gan, phổi… do đó việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, giai đoạn này phương pháp điều trị hóa trị được áp dụng nhiều hơn so với phương pháp xạ trị. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hóa trị ở dạng viên, tiêm truyền qua tĩnh mạch hoặc cả hai.
Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ gặp các tác dụng phụ không mong muốn khác nhau phụ thuộc vào loại thuốc điều trị như buồn nôn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, rụng tóc, viêm niêm mạc miệng, độc tính thần kinh vùng ngoại biên,… Nếu người bệnh có thể trạng sức khỏe kém, không thể đáp ứng để thực hiện phương pháp hóa trị, hoặc có các bệnh lý nền đi kèm được khuyến cáo chống chỉ định đối với hóa trị, lúc này bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chăm sóc giảm nhẹ và điều trị giúp thuyên giảm các triệu chứng cho người bệnh.
Ngoài ra, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của Y học, một phương pháp mới được áp dụng thời gian gần đây trong điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối gọi là liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp này được đánh giá cao bởi tính an toàn, ít độc tính và tác dụng phụ cho người điều trị. Tuy nhiên, liệu pháp này có chi phí điều trị khá cao, hiếm khi được áp dụng tại Việt Nam.
Khả năng chữa khỏi ung thư vòm họng giai đoạn cuối có cao không?
Phụ thuộc vào từng trường hợp, cụ thể là tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tiến triển bệnh mà khả năng chữa khỏi của người mắc ung thư vòm họng giai đoạn cuối sẽ khác nhau. Khi bệnh di căn rất đến các bộ phận khác trong cơ thể rất khó điều trị, tỷ lệ sống rất thấp. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ ung thư vòm họng nên thăm khám và điều trị khi bệnh ở giai đoạn sớm, tránh để bệnh chuyển biến nặng khiến việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Tiên lượng đối với ung thư vòm họng giai đoạn cuối là khá dè dặt. Tỷ lệ sống còn đối với ung thư vòm họng giai đoạn đầu là khoảng khoảng 60-75%. Ở giai đoạn cuối, tỷ lệ này chỉ còn dưới 40%.
Tuy nhiên, với sự tiến bộ vượt bậc của Y học hiện nay, đồng thời nếu người bệnh luôn giữ được tâm trạng vui vẻ, lạc quan, ý chí mạnh mẽ không bỏ cuộc thì vẫn có thể kéo dài thời gian sống. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chăm sóc của những người thân yêu cũng góp phần quan trọng giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn trong quá trình điều trị, từ đó cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh mắc ung thư vòm họng giai đoạn cuối (giai đoạn 4).
Cách tăng cường sức khỏe cho người ung thư vòm họng giai đoạn 4
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối là thời gian vô cùng khó khăn và nhạy cảm với người bệnh. Do đó, chăm sóc người bệnh giai đoạn này không chỉ cần sự chu đáo của các y bác sĩ về phương pháp điều trị mà còn về mặt tinh thần cho người bệnh lẫn người nhà bệnh nhân. Một số lưu ý giúp tăng cường sức khỏe cho người ung thư vòm họng giai đoạn 4 mà gia đình có thể tham khảo như sau:
- Dành nhiều thời gian cho người bệnh, tích cực thăm hỏi, động viên, giúp người bệnh chấp nhận và đối mặt với khó khăn của bệnh tật. Đồng thời luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, thoải mái để ảnh hưởng phục hồi tốt hơn.
- Hỗ trợ giảm đau toàn thân cho người bệnh bằng các phương pháp massage nhẹ nhàng toàn thân giúp lưu thông khí huyết, hạn chế tê liệt,… theo chỉ định của bác sĩ.
- Giảm triệu chứng khó thở cho người bệnh bằng cách hút dịch trong khoang miệng, khoang mũi họng. Bên cạnh đó có thể sử dụng bình dưỡng khí để hỗ trợ thở.
- Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân giai đoạn cuối rất quan trọng. Gia đình nên chế biến các thức ăn người bệnh yêu thích, lỏng, mềm, dễ nuốt và chia nhỏ bữa ăn để dễ hấp thụ hơn. Bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của bệnh nhân nhiều chất xơ, trái cây, rau xanh, uống đủ nước.
Làm sao để phòng ngừa ung thư vòm họng?
Do hầu hết các yếu tố gây ung thư vòm họng đều khó xác định và kiểm soát được nên việc chủ động phòng ngừa sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
1. Tiêm ngừa vắc xin Gardasil để ngăn ngừa virus HPV
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư vòm họng. Thế nhưng, loại ung thư này được cho là có liên quan đến virus HPV các type nguy cơ cao như HPV type 16 và type 18. Chính vì vậy, chủ động tiêm vắc xin để ngăn ngừa virus HPV ngay từ sớm là cách phòng ngừa ung thư vòm họng đơn giản, an toàn và mang lại hiệu quả phòng bệnh cao.
Hiện nay, nước ta chính thức đưa vào sử dụng 2 loại vắc xin ngăn ngừa virus HPV, bao gồm:
- Vắc xin Gardasil (Mỹ) giúp phòng ngừa 4 type virus HPV 6, 11, 16, 18, chỉ định dùng cho các bé gái và phụ nữ nằm trong độ tuổi từ 9-26 tuổi.
- Vắc xin thế hệ mới Gardasil 9 (Mỹ) với lợi thế phòng ngừa 9 type virus HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, được chỉ định tiêm chủng phòng bệnh cho cả nam và nữ giới nằm trong độ tuổi từ 9-26 tuổi, mang lại hiệu quả bảo vệ vượt trội đến 94%.
2. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn 1-2 lần/năm giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của ung thư vòm họng cũng như các bệnh lý khác.
3. Sinh hoạt tình dục lành mạnh
Ung thư vòm họng có liên quan mật thiết đến đời sống sinh hoạt tình dục không lành mạnh. Do đó, cần chung thủy với bạn tình và chủ động sử dụng bao cao su trong suốt quá trình quan hệ để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm virus HPV.
4. Bỏ ngay các thói quen có nguy cơ cao gây ung thư vòm họng
Những thói quen xấu như sử dụng nhiều chất kích thích, thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều đồ ăn lên men chua,… cần được người bệnh hạn chế và bỏ hoàn toàn.
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối hầu hết bệnh nhân đều suy sụp hoàn toàn về thể trạng cũng như chức năng hoạt động của hệ miễn dịch. Đây là căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và có khả năng tử vong, do đó chuyên gia khuyến cáo mọi người cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tầm soát các bệnh ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng, cũng như việc thăm khám sức khỏe định kỳ đều đặn.