Nhận cuộc gọi báo được tặng phiếu du lịch miễn phí, ở khách sạn 5 sao, một số người háo hức đến nhận phiếu nhưng bị dụ mua các gói du lịch có giá 35-300 triệu đồng, sau đó chờ mấy năm trời mà chẳng được du lịch đâu cả.
Đóng hơn trăm triệu đồng rồi chờ dài cổ
Anh Lê Kim H. (phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) kể, anh được nhân viên tư vấn của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Kỳ Nghỉ Gia Đình Hạnh Phúc (HFV) gọi điện thoại, thông báo anh được công ty tặng phiếu (voucher) nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm cho 2 người lớn và 1 trẻ em dưới 6 tuổi trong các quần thể nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC hoặc CocoBay Đà Nẵng của Tập đoàn Empire.
Theo lời mời của nhân viên, anh H. đến văn phòng công ty (đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TPHCM) để được tư vấn kỹ hơn về kỳ nghỉ miễn phí này. Tại đây, anh H. được nhân viên giới thiệu rằng, công ty chuyên tổ chức các kỳ nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao với rất nhiều ưu đãi cho người tham gia. Anh còn được cho xem bộ sưu tập các địa điểm du lịch mà HFV có liên kết, kèm hàng loạt hợp đồng, ảnh chụp với lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn mà HFV làm đại lý độc quyền khai thác.
Một số khách hàng đã đóng tiền mua kỳ nghỉ du lịch của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Kỳ Nghỉ Gia Đình Hạnh Phúc (HFV) phản ánh vụ việc với Báo Phụ nữ TPHCM - Ảnh: N.C.
Thấy nhiều lợi ích, anh H. ký hợp đồng mua sản phẩm kỳ nghỉ trị giá 170 triệu đồng và đã đóng 2 lần với số tiền 139,8 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi đóng tiền (tháng 10/2019) đến nay, anh H. chưa được đi du lịch lần nào theo hợp đồng này.
Khi anh H. yêu cầu sắp xếp kỳ nghỉ cho gia đình anh, công ty nại đủ lý do như: ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty khó khăn do COVID -19, công ty đang nỗ lực khắc phục khó khăn để tập trung lo cho khách hàng tốt hơn… “Đến cuối năm 2022, công ty này đóng cửa. Tôi cùng nhiều khách hàng khác tìm cách liên hệ giám đốc HFV nhưng không được” - anh ngao ngán.
Tương tự, sau khi nghe nhân viên HFV giới thiệu các lợi ích như được nghỉ dưỡng ở các khách sạn 5 sao, có quyền chuyển nhượng hợp đồng hoặc cho, tặng, bán các suất nghỉ dưỡng trong hợp đồng, chị Tôn Nữ P.K. (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã ký hợp đồng mua kỳ nghỉ với HFV, trị giá 185 triệu đồng. Nhiều năm sau đó, chị P.K. chưa một lần được HFV giải quyết nhu cầu đi nghỉ dưỡng, du lịch. Chị P.K. nhiều lần đến văn phòng HFV đòi lại tiền nhưng công ty đóng cửa, giám đốc cũng bặt tăm.
Nhiều người mua kỳ nghỉ của HFV đã tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM nhờ hỗ trợ. Họ cho biết, được nhân viên HFV gọi điện tặng phiếu nghỉ dưỡng miễn phí và mời tới công ty để nhận phiếu. Khi đến công ty, nghe nhân viên HFV tư vấn, họ như bị thôi miên và ký hợp đồng mua kỳ nghỉ. Ngoài tiền mua kỳ nghỉ - được gọi là “thẻ điểm nghỉ dưỡng HFV” - họ còn phải đóng phí quản lý thẻ thành viên 1,25 triệu đồng/năm.
Theo nội dung hợp đồng mua “thẻ điểm nghỉ dưỡng HFV”, công ty này bán cho khách hàng thẻ điểm tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp trong và ngoài nước, 1 điểm tương đương 2 triệu đồng. Khi mua sản phẩm của HFV, khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ lưu trú thuộc bộ sưu tập do HFV cung cấp, gồm khách sạn, khu phức hợp du lịch và dịch vụ lưu trú của các đơn vị mà HFV liên kết.
Cũng theo hợp đồng, trong vòng 1 năm, nếu số điểm này chưa được dùng, khách hàng có thể ký gửi tiết kiệm với lãi suất 10%/năm (kỳ hạn 6 tháng), 20%/năm (kỳ hạn 12 tháng) và 26%/năm (kỳ hạn 24 tháng). HFV cũng sẵn sàng mua lại điểm từ khách hàng. Nghĩ rằng cứ mua điểm, chưa dùng đến thì vẫn được hưởng lãi suất như gửi tiết kiệm, không mất gì nên một số người đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua.
Hầu hết khách hàng ký hợp đồng với HFV trong năm 2019 và 2020. Ngày 19/11/2021, công ty ra thông báo tạm dừng kinh doanh với lý do dịch COVID-19 và “để giải quyết, khắc phục những khó khăn, đưa ra định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới”. Thời gian tạm ngưng dự kiến trong 1 năm, kể từ ngày 11/11/2021.
Ngày 16/2/2022, HFV tiếp tục thông báo: “Vẫn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công ty tạm thời đóng cửa toàn bộ văn phòng ở TP Hà Nội và TPHCM để cắt giảm chi phí. Đến hết tháng 11/2022, toàn bộ các hợp đồng hợp tác thuê và hợp đồng thẻ điểm du lịch sẽ ngừng toàn bộ cam kết và lợi nhuận với quý khách hàng. Đầu tháng 12/2022, các hợp đồng này sẽ tiếp tục thực hiện”.
Tuy nhiên, đến hạn, HFV vẫn không có động tĩnh gì. Khách hàng liên tục gọi điện, gửi email nhưng không được. Có người tìm đến nơi ở của giám đốc HFV nhưng không có ai ở đó.
Có hơn 100 người đã ký hợp đồng mua sản phẩm của HFV, mỗi hợp đồng trị giá từ 35-300 triệu đồng, một số người còn ký 2-3 hợp đồng.
Có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - cho biết, hội đã tiếp nhận nhiều vụ khiếu nại về việc mua kỳ nghỉ du lịch và bị mất tiền với hình thức giống nhau. Thực chất, công ty mời chào tặng voucher, giới thiệu sản phẩm du lịch chỉ là “cò” giới thiệu khách sạn để ăn hoa hồng.
33 khách hàng cùng ký tên tố cáo HFV đã lừa họ với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng (trong ảnh: Hợp đồng, chứng từ… mua kỳ nghỉ của HFV do một số khách hàng cung cấp) - ẢNH: N.C.
Bà Phan Thị Việt Thu cho hay, nhiều “cò” mời khách dự hội nghị hoành tráng trong khách sạn 5 sao, chiếu cảnh du lịch đẹp, kỳ nghỉ vui vẻ để dụ khách. Sau đó, nhân viên tư vấn kéo dài đến 22 giờ để khách mệt, ký hợp đồng nhanh. Phía công ty còn tung “chim mồi” để khách tin và ai không có sẵn tiền mặt thì nhân viên cho mượn tiền để đặt cọc trước. HFV đã ký hợp đồng với khách hàng nhưng không thực hiện hợp đồng và đã đóng cửa, giám đốc “biến mất”, khách hàng không tìm được. “Như vậy là công ty đã có dấu hiệu lừa đảo. Vì vậy, các nạn nhân cần làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM để công an vào cuộc, giải quyết vụ việc” - bà nói.
Theo bà Phan Thị Việt Thu, người tiêu dùng phải đọc kỹ quyền lợi của mình trong hợp đồng, cân nhắc trước khi ký hợp đồng. Mua kỳ nghỉ du lịch giống như thuê khách sạn, khách hàng chỉ được giảm một số phần trăm nào đó mà phải đóng trước mấy trăm triệu đồng là lỗ chứ không có lợi gì. Đó là chưa kể, những công ty làm ăn kiểu chụp giật như vậy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, trong khi lại lấy tiền của khách theo thời hạn đến 20 năm, rồi khách còn phải đóng phí thường niên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng, hành vi của HFV có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Những khách hàng bị thiệt hại nên tố giác với cơ quan công an về hành vi của công ty này. Qua xác minh công ty, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, những cá nhân trong công ty có liên quan đến vụ việc sẽ bị xem xét truy tố trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Nếu tổng số tiền thiệt hại của các khách hàng là hàng trăm triệu đồng thì những người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền có khả năng bị truy tố theo khoản 2 hoặc khoản 3, điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 với mức phạt tù nhẹ nhất là 5 năm, nặng nhất là 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hậu, những khách hàng bị công ty chiếm giữ tiền có thể yêu cầu công ty trả lại số tiền đã đóng và bồi thường phần giá trị bị giảm sút trên thực tế, theo điều 589 Bộ luật Dân sự 2015.
Mọi người cần tăng cường cảnh giác đối với những loại hình kinh doanh như thế này. Không nên quá tin tưởng vào những nội dung quảng cáo mà chất lượng dịch vụ quá chênh lệch so với số tiền bỏ ra. Ngăn chặn, phòng ngừa luôn tốt hơn việc để xảy ra hậu quả rồi mới yêu cầu bồi thường.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu