Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 3-1-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế
Sự kiện trong nước
Ngày 3-1-1766: Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Ông mất ngày 16-9-1820. Nguyễn Du tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2013, Nguyễn Du được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Ngày 3-1-1977: thành lập Học viện Quốc phòng. Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, với vai trò của một học viện cấp quốc gia về quân sự, quốc phòng, an ninh, Học viện Quốc phòng luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng quân đội, về đối ngoại và đối ngoại quốc phòng, nắm chắc các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ của quân đội để triển khai, cụ thể hóa vào công tác giáo dục, đào tạo.

Nhà trường đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo quyết liệt trong đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, rèn luyện năng lực, tư duy cho học viên; tăng cường hoạt động tự học, thảo luận, tập bài gắn với tọa đàm, trao đổi, nghiên cứu thực tế...
Học viện không ngừng củng cố và khẳng định vai trò, vị thế, bồi đắp truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xứng đáng là Trung tâm huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia, có uy tín trong khu vực và quốc tế.
Ngày 3-1-2014: Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Sự kiện quốc tế
Ngày 3-1-1976: Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) bắt đầu có hiệu lực. Công ước ICESCR là một phần của Bộ luật Nhân quyền quốc tế (bao gồm hai công ước này và Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền).
Ngày 3-1-1959: Alaska được nhận làm tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ.
Theo dấu chân Người
Ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn những công việc cấp bách và kết luận: “Chính phủ đã phải đối phó với hai sự khó khăn, trong Nam: họa ngoại xâm; ngoài Bắc: nạn đói. Nhờ sự ủng hộ của quốc dân, công việc đã có kết quả khả quan”.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thông đạt yêu cầu các ông Bộ trưởng chỉ thị cho nhân viên các Sở phải giữ gìn tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được hủy những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên cho phép.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn
Ngày 3-1-1947, Chính phủ của nước Việt Nam độc lập đã phải di chuyển lên Việt Bắc, Hà Nội đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Vào thời điểm ấy, Marius Moutet (Mariút Mutờ) là người Bác từng quen biết trong Đảng Xã hội Pháp, lúc này lại là Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại đang có mặt tại Hà Nội.
Hy vọng tranh thủ được ông Moutet, Bác Hồ viết một lá thư, trong đó có đoạn: “Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mừng ngài, vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, vừa là sứ giả của hòa bình.
Tôi rất mong và rất sung sướng được hội kiến với ngài lâu một chút để tỏ rõ ý muốn thành thực hòa bình và cộng tác của chúng tôi, và để chuyển đệ với ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước chúng ta”.
Bức thư đó không được hồi âm. Moutet đến Hà Nội giữa cảnh đổ nát và trong vùng vẫy của giới thực dân mà đầu xỏ là Đô đốc Đácgiăngliơ (D’Argenlieu). Ngày 8-1, Moutet về nước mà không tìm ra giải pháp nào.
40 năm sau (1988), nhà sử học Pháp Philớp Đờvinlơ (Philippe Devillers) đã chứng minh rằng toàn bộ những thông điệp của Hồ Chí Minh trong thời gian này đều bị D’Argenlieu phong toả, kể cả một “gói hàng” mà ngày 3-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho người chuyển tới phía Pháp để trao tận tay vị Bộ trưởng. Trong một bức thư gửi tướng Đờ Gôn (De Gaulle), viên Đô đốc “diều hâu” này hí hửng: Nhờ ơn Chúa, Moutet đã không có một cuộc tiếp xúc cá nhân nào với nhóm ông Hồ Chí Minh. Đó là một điểm thắng lợi đầu tiên.
Nhưng cái mà D’Argenlieu cho là thắng lợi đầu tiên ấy thì cũng khởi đầu cho một thảm bại cuối cùng khi quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ sau đó 7 năm!
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam (3-1-1957). Ảnh: Hochiminh.vnLời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày 3-1-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết đăng trên báo Nhân Dân, số 671 với tiêu đề “Cần phát động phong trào đào mương chống hạn”, lấy bút danh C.B.
Trong bài viết, sau khi nêu một số biện pháp chống hạn như đào giếng, đào mương, gánh nước..., và cho rằng đó là những cách chống hạn tốt nhất, Người nhắc nhở “các nông hội, chính quyền và chi bộ xã cần phải giải thích, động viên, tổ chức và khuyến khích nông dân thi đua đào giếng, đào mương lấy nước chống hạn. Cán bộ huyện và tỉnh cần phải đôn đốc đào giếng”. Người khẳng định: “Quyết tâm thì nhất định làm được”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, t.10, tr. 237)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (12-1-1958). Ảnh: Hochiminh.vnTrong bài viết, Người đã dẫn ra những kết quả chống hạn ở một số nơi, khẳng định rằng làm việc gì cũng cần quyết tâm thì nhất định sẽ làm được. Người lấy ví dụ đồng bào xã Tân Dân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt việc đào mương chống hạn, “xã Tân Dân đã thắng trời. Xã Tân Dân làm thành công, thì các nơi khác nhất định cũng làm được.”
Đây không phải là lần duy nhất Bác nhấn mạnh sự quyết tâm đối với sự thành bại của một việc. Tháng 5-1969, trong thư gửi Lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp của quân đội, Bác đã khẳng định: “Phải có quyết tâm cao để vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Quyết tâm phải biến thành hành động dũng cảm, chiến đấu kiên quyết, không sợ hy sinh gian khổ,triệt để chấp hành nghiêm chỉnh mọi chỉ thị, mệnh lệnh, trong bất kỳ tình huống nào cũng phía chỉ huy đơn vị quyết đánh, quyết thắng, cũng phải quản lý đơn vị chặt chẽ, giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành tốt mọi chính sách”.
Năm 1969 cũng là thời kỳ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang huy động mọi nguồn lực, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Người cho rằng, nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ đội ngũ cán bộ quân đội phải luôn triệt để chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, lập nhiều thành tích hơn nữa trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn công tác Học viện Quân y biểu thị tinh thần quyết tâm trước lúc lên đường vào miền Nam chống dịch (tháng 8-2021). Ảnh: TUẤN HUYTrong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, lời dạy của Người về lòng quyết tâm vẫn luôn có ý nghĩa và phát huy giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn phát huy tinh thần tiên phong, dấn thân, với ý chí quyết tâm cao nhất, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, đội ngũ cán bộ quân đội luôn phát huy tốt tính tiền phong, gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; gương mẫu đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cán bộ luôn gần gũi bộ đội, quan tâm xây dựng động cơ, quyết tâm cao cho bộ đội; cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn rèn luyện ý chí chiến đấu, tinh thần chịu đựng gian khổ, dũng cảm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng danh Bộ đội cụ Hồ.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2373, ra ngày 3-1-1968 đăng trang trọng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sang năm nay, bọn Mỹ xâm lược càng bị động càng lúng túng, quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.” Đây là câu được trích trong Thư Chúc mừng năm mới của Bác được báo Nhân Dân số 5013, ra ngày 1-1-1968 đăng toàn văn, còn Đài Tiếng nói Việt Nam phát vào phút giao thừa chuyển sang năm mới Mậu Thân.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2373, ra ngày 3-1-1968.ĐẶNG LOAN (tổng hợp)