Kinh tế Ba Lan suy giảm vì căng thẳng Nga - Ukraine

Kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine xảy ra đã kích hoạt một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế tác động trực tiếp đối với xuất khẩu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng, đe dọa nền kinh tế Đông Âu, trong đó có Ba Lan.

Ba Lan là nền kinh tế lớn thứ 6 của châu Âu và là nhà sản xuất và cung ứng lớn về máy móc, phương tiện và thiết bị điện tử, cũng như một loạt các khoáng sản bao gồm than, đồng, kẽm và muối mỏ cho thị trường châu Âu. Hoạt động kinh tế của Ba Lan trong quý I/2022 chưa chịu nhiều tác động của cuộc xung đột nói trên. Cụ thể, sản lượng công nghiệp của nước này đã tăng 17,6% so với cùng kỳ. Hiện tại, sản lượng của Ba Lan đang cao hơn 24% so với mức cuối năm 2019.

kinh te ba lan suy giam vi cang thang nga ukraine Ba Lan đang phải chiến đấu với giá cả tăng liên tục

Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đang phủ lên Ba Lan một "đám mây đen". Nó gây nhiều tác động tiêu cực đến xuất khẩu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy lạm phát cao hơn. Xuất khẩu hàng hóa của Ba Lan sang Nga chiếm khoảng 3% GDP, nhập khẩu từ Nga (chủ yếu là nguyên liệu thô) bắt đầu và sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp Ba Lan.

Đại diện của Công ty tư vấn Capital Economics đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Ba Lan từ 4,5% xuống 3,5%, đây là con số thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế với nguyên nhân chính là cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Hiện nay, "đám mây đen" đang hiện diện tại đường chân trời của Ba Lan là lạm phát. Cùng với phần lớn các nước châu Âu, Ba Lan đang phải chiến đấu với giá cả tăng liên tục ngay cả trước khi cuộc xung đột bắt đầu. Ngay trong tháng 2/2022, Chính phủ Ba Lan đã tạm thời cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với khí đốt, thực phẩm và xăng dầu trong nỗ lực kiềm chế giá tiêu dùng tăng cao và kết quả của điều chỉnh này là lạm phát đã giảm xuống 8,5%.

Tuy nhiên, sự bất ổn địa chính trị mới đây và sự biến động trên thị trường hàng hóa càng làm xáo trộn các dự báo lạm phát. Những khó khăn cộng với áp lực lạm phát cơ bản mạnh mẽ dự kiến sẽ tồn tại ở Ba Lan trong vài tháng tới. Nhóm nghiên cứu các thị trường châu Âu mới nổi của JPMorgan cho biết, khi các đợt cắt giảm thuế của Chính phủ hết hiệu lực vào giữa năm nay, giá năng lượng có thể sẽ phục hồi, đẩy lạm phát về mức 12%.

Thông tin của Capital Economics cũng nhấn mạnh, giá hàng hóa cao hơn, đặc biệt là lương thực và năng lượng sẽ làm giảm thu nhập thực tế và chi tiêu của hộ gia đình. Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, có một rủi ro khác là các vấn đề trên thị trường khí đốt châu Âu. Giá xăng đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay ở châu Âu vào đầu tháng này. Cơ quan quản lý năng lượng của Ba Lan vào tháng 12/2021 đã tăng 54% giá khí đốt và việc này là cần thiết.

Trong khi đó, các nhà kinh tế đã hạ dự báo GDP cho khu vực này xuống 0,25-0,5 điểm phần trăm vào năm 2022, đồng thời tăng chúng lên một lượng tương tự cho năm 2023 khi người tị nạn bắt đầu đóng góp cho cả nhu cầu và lực lượng lao động.

Điều đó đang đặt Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, trước áp lực lạm phát không ngừng và các cú sốc giá thực phẩm, giá năng lượng mới có nguy cơ đẩy giá tiêu dùng lên mức rất cao vào cuối năm nay. Trong khi tăng trưởng đang gặp nhiều rủi ro.

Các nhà kinh tế của JPMorgan cho biết, trong trường hợp bình thường, NBP có thể xem xét các cú sốc về nguồn cung và tập trung vào áp lực kéo cầu, nhưng hiện nay NBP có thể sẽ vẫn giữ quan điểm trường phái "diều hâu" là ủng hộ lãi suất cao hơn để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, mặc dù thời điểm và quy mô của các động thái thắt chặt chính sách trong tương lai vẫn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào các rủi ro trên thị trường ngoại hối và động lực cầu.

Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/kinh-te-ba-lan-a6855.html