Hướng dẫn một số kỹ thuật ngâm ủ hạt giống trước khi gieo - 

Hạt giống nảy mầm

Việc ngâm hạt giống vào nước và ủ hạt trước khi gieo trồng giúp cung cấp đầy đủ độ ẩm và nhiệt độ thích hợp để kích thích quá trình hô hấp ở hạt. Để ngâm ủ giống lúa đúng, giúp lúa mọc mầm nhanh và cây non khỏe, giúp tiêu diệt một số loại sâu bệnh hại và quan trọng nhất là để kịp gieo cấy vào mùa tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật ngâm ủ hạt giống trước khi gieo như sau:

Chuẩn bị giống:

Giống tốt là tiền đề làm ổn định năng suất. Do đó, chúng ta nên chọn giống thích hợp cho từng mùa vụ và giống phải đạt ít nhất một số tiêu chuẩn sau:

Giống phải được Bộ Nông nghiệp&PTNT công nhận chính thức và nằm trong cơ cấu giống của tỉnh, của huyện.

Hạt giống phải được mua tại cơ sở có uy tín.

Hạt giống phải khô, sạch, chắc mẩy, thuần, đồng nhất về kích cỡ, không bị lẫn những hạt giống khác, không bị lẫn hạt cỏ và tạp chất.

Giống phải sạch bệnh.

Giống có tỷ lệ nẩy mầm trên 90%.

Ngâm ủ giống:

Thực hiện tốt các khâu kỹ thuật ngâm ủ hạt giống sẽ có tỷ lệ nảy mầm cao, loại bỏ được một số loại bệnh hại và kí sinh trên hạt.

Trước khi ngâm ủ giống phải kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ ngâm ủ.

Xử lý hạt giống:

Trước khi ngâm cần phơi lại hạt giống từ 6-8 giờ trong nắng nhẹ (không phơi trực tiếp trên sân gạch hay sân xi măng). Phơi lại có tác dụng làm cho hạt hút nước nhanh, xúc tiến hoạt động của hệ thống men, tăng khả năng nảy mầm.

Đãi bỏ hạt lép lửng, ngâm trong nước vôi trong 2% (200g vôi bột hòa với 10 lít nước, để vôi lắng xuống, lấy nước trong ngâm hạt giống) trong 8-10 giờ rồi rửa sạch, ngâm tiếp hạt giống với nước sạch.

- Cũng có thể xử lý bằng nước ấm 54 0C (3 sôi + 2 lạnh) trong vòng 10-15 phút, rồi đem hạt giống ra ngâm với nước sạch.

- Đối với hạt giống mới thu hoạch muốn gieo ngay cần áp dụng phương pháp xử lý phá ngủ để tăng độ nảy mầm (dùng supe lân để ngâm: Lấy 1 kg supe lân pha với 10 lít nước, khuấy đều để lắng cặn, sau gạn lấy nước trong ngâm với 10 kg lúa giống trong 24 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch nước chua rồi ngâm tiếp bằng nước sạch).

Ngâm hạt:

- Thời gian ngâm tùy thuộc nhiệt độ, mùa vụ. Đối với vụ Thu Mùa ngâm 24-30 giờ đối với lúa thuần và 12-16 giờ đối với lúa lai; Trong vụ Đông Xuân ngâm 48-60 giờ đối với lúa thuần và 24-30 giờ đối với lúa lai (tính cả thời gian xử lý, khử trùng thuốc). Trong quá trình ngâm, hạt hô hấp yếm khí, thiếu ô xy làm nước chua, cần phải ngâm vào dụng cụ rộng, ngâm nhiều nước và thay nước mỗi ngày 2-3 lần.

Khi bẻ ngang hạt gạo thấy hạt trong suốt, ngoại hình hạt căng đều, nhìn rõ thấy phôi màu trắng ở đầu hạt phình lên. Kiểm tra nội nhũ (phần gạo ở giữa hạt) thấy bở mềm, hơi cứng ở lõi hạt gạo là đạt yêu cầu. Khi thấy hạt còn chấm trắng đục ở giữa thì tiếp tục ngâm thêm.

Mầm hạt giống đạt tiêu chuẩn đem gieo

Ủ giống:

Sau khi hạt đã hút đủ nước thì vớt hạt giống, đãi chua rửa sạch, vớt hạt lép lửng, để ráo nước và ủ cho hạt nảy mầm.

Điều chỉnh nhiệt độ đống ủ:

Nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất quyết định thời gian, tỷ lệ nảy mầm. Phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm, nhất là giai đoạn đầu. Nhiệt độ thích hợp nhất để hạt lúa nảy mầm từ 30-350C, trên 400C hoặc thấp dưới 100C đều không có lợi cho quá trình nảy mầm.

Ủ ấm đủ nhiệt độ:

Khi ủ hạt giống trong những ngày giá rét cần phải vùi sâu trong đống rơm, rạ hoặc vùi trong đống lá, đảm bảo sao cho nhiệt độ từ 30-350C. Sau khi vùi lúa giống cần kiểm tra xem hạt giống đã nảy mầm chưa, khi thấy trên 50% số hạt nứt nanh gai dứa, lấy lúa ra trộn kỹ cho các hạt giống nảy mầm đều sau đó vùi nông hơn trong rơm rạ vì khi hạt lúa nảy mầm sẽ tự sinh nhiệt làm ấm lên.

*Lưu ý:

- Không vùi lúa giống no nước trong đống tro bếp, vì tro bếp sẽ hút nước trong hạt giống làm hạt giống thiếu nước ảnh hưởng tới quá trình nảy mầm.

- Cũng không nên vùi lúa giống vào sâu trong đống phân ủ vì trong đống phân ủ nhiệt độ thường quá cao lại có nhiều khí độc ảnh hưởng tới sự nảy mầm của hạt giống.

Kiểm tra nhiệt độ đống ủ:

Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của đống ủ, đảm bảo nhiệt độ đống ủ luôn từ 30 - 350C.

- Nhiệt độ dưới 300C phải phủ thêm tấm phủ.

- Nhiệt độ cao trên 350C: Phải bỏ tấm che phủ, trải lúa mỏng hơn, thậm chí nhúng nước để giảm nhiệt độ và giữ đủ ẩm độ để lúa mọc mầm, lúc này có thể chỉ đậy bằng lớp lá chuối tươi.

Đảo lúa trong khi ủ:

Ngày 2 lần tưới nước đủ ẩm và đảo đều cho hạt giống trong đống ủ nẩy mầm như nhau, tránh tình trạng trong cùng đống ủ, nơi thì hạt giống nảy mầm quá dài, nơi thì hạt giống nảy mầm quá ngắn.

Điều chỉnh mầm của hạt lúa giống:

Trong quá trình ủ, nên điều chỉnh mầm của hạt lúa giống sao cho phù hợp với từng điều kiện gieo trồng. Vụ Thu Mùa chỉ cần ủ nứt nanh, vụ Đông Xuân cần có mầm dài hơn.

Trong điều kiện bình thường, mầm của hạt giống dài bằng 1/3-1/2 chiều dài của hạt lúa là đạt yêu cầu.

- Trên những chân ruộng đất đã se mặt, chỉ cần hạt lúa giống nứt nanh hay mầm của hạt giống dài bằng 1/3 chiều dài của hạt lúa là có thể đem gieo.

- Trên các chân ruộng nhuyễn nhừ, lầy thụt nên điều chỉnh rễ mạ dài bằng chiều dài của hạt lúa.

Thậm chí đất quá lầy thụt, phải để mầm và rễ mạ dài hơn cả chiều dài hạt lúa để khi gieo mống không bị chìm.

*Lưu ý: Phải đảo giống thường xuyên, không để rễ hạt dài, quấn vào nhau sẽ khó cho quá trình gieo./.

Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/cach-lam-hat-lac-nay-mam-nhanh-nhat-a6479.html