Khi giành được độc lập năm 1965, Singapore là một đảo quốc nghèo, nhỏ bé (chừng 700 km2), rất ít tài nguyên thiên nhiên, thiếu nước ngọt, dân số tăng trưởng nhanh, nhà cửa xập xệ, nguy cơ xung đột sắc tộc và tôn giáo khá cao giữa người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Lúc đó không có giáo dục cưỡng bách, rất ít trường trung học và đại học và lao động có tay nghề khan hiếm. Bức tranh của ngày hôm nay là một sự lột xác thần kỳ. Chỉ trong vòng 20 năm, Singapore nhảy vọt thành một nước phát triển công nghiệp hiện đại, một trung tâm thương mại, tài chính và vận chuyển hàng hóa tầm cỡ thế giới.
Khi ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng năm 1959, thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 400 USD. Hiện nay đã là 60.000 USD! Thành tựu này phần lớn nhờ Singapore có một hệ thống giáo dục khá riêng biệt, liên tục được xếp hạng rất cao trong danh sách các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới trong 10 năm qua. Theo báo cáo The Learning Curve 2014 của Công ty Giáo dục Pearson, hệ thống giáo dục Singapore đứng hạng 3 ở châu Á, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giáo dục Singapore từ các cấp tiểu học, trung học, và đại học hầu hết được nhà nước hỗ trợ. Toàn bộ các tổ chức dù là công hay tư đều phải được đăng ký với Bộ Giáo dục. Tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy trong toàn bộ các trường học công, và toàn bộ các môn học được dạy và thi bằng tiếng Anh ngoại trừ bài luận bằng "tiếng mẹ đẻ". Trong khi thuật ngữ "tiếng mẹ đẻ" về tổng thể tầm quốc tế là đề cập đến ngôn ngữ thứ nhất, song nó được sử dụng nhằm đề cập đến ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục của Singapore, do tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất. Các học sinh ở tại nước ngoài trong một thời gian, hoặc gặp khó khăn với "tiếng mẹ đẻ" của họ, được phép có một đề cương giản hóa hoặc bỏ qua môn học.
Giáo dục gồm ba giai đoạn: tiểu học, trung học, và tiền đại học, trong đó chỉ có cấp tiểu học là bắt buộc. Học sinh bắt đầu với 6 năm tiểu học, gồm 4 năm cơ sở và hai năm định hướng, chương trình giảng dạy tập trung vào phát triển Anh ngữ, bản ngữ, toán học, và khoa học. Trung học kéo dài 4-5 năm, và được phân thành các ban Đặc thù, Nhanh, Phổ thông (Học thuật), và Phổ thông (Kỹ thật) trong mỗi trường, dựa theo trình độ năng lực của mỗi học sinh. Phân loại chương trình cơ bản tương tự cấp tiểu học, song các lớp học chuyên biệt hơn nhiều.[126] Giáo dục tiền đại học diễn ra trong 2-3 năm tại các trường cao đẳng, hầu hết gọi là Học viện sơ cấp. Một số trường học được tự do trong chương trình giảng dạy của mình và được gọi là trường tự chủ. Các trường này tồn tại từ cấp trung học trở lên.
Các kỳ thi quốc gia được tiêu chuẩn hóa trong tất cá các trường học, với một bài kiểm tra được thực hiện sau mỗi giai đoạn. Sau sáu năm giáo dục đầu tiên, học sinh tham gia khảo thí rời tiểu học (PSLE), nó quyết định vị trí của họ tại trường trung học. Cuối giai đoạn trung học, khảo thí GCE trình độ "O" được tiến hành; vào cuối giai đoạn tiền đại học sau đó, khảo thí GCE trình độ "A" được tiến hành. Năm 2005, trong toàn bộ người Singapore 15 tuổi và lớn hơn mà không còn là học sinh, chỉ có 18% không có trình độ giáo dục.
Ngay từ cấp tiểu học, sau khi hoàn thành lớp 3, học sinh đã bắt đầu phân cấp theo khả năng học tập, các em có kết quả học tập cao hơn có thể lựa chọn vào học chương trình khó hơn. Sau đó, khi lên trình độ trung học cơ sở, học sinh được phân học theo tiến trình 4 năm hoặc 5 năm tuỳ theo trình độ. Ở giai đoạn trung học cơ sở này, học sinh đã được chọn nhóm ngành học phù hợp nhất với khả năng và sở thích của mình thay vì phải học dàn trải tất cả các môn học như một số quốc gia khác. Điều này giúp học sinh đi sâu phát triển khả năng nổi trội của bản thân.
Kết thúc giai đoạn trung học cơ sở, sau khi thi lấy chứng chỉ O-level, học sinh sẽ lựa chọn một trong 3 hướng tuỳ theo trình độ và sở thích. Đó là học 3 năm chương trình cao đẳng thực hành tại các trường công nghệ bách khoa Singapore hoặc học 2 năm bằng cao đẳng nghề để đi làm. Hướng thứ 3 dành cho những học sinh có khả năng cao hơn theo học chương trình chứng chỉ A-level (hai năm) tại các trường Junior College sau đó học lên bậc đại học (nếu đủ yêu cầu đầu vào) tại các trường đại học công lập của Singapore.
Ảnh: Hệ thống giáo dục Singapore
Sự phân cấp nhưng cũng linh hoạt trong hệ thống giáo dục Singapore giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc định hướng kế hoạch học tập cho bản thân. Học sinh, sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc định hướng con đường học tập và tương lai nghề nghiệp của mình dựa trên khả năng của bản thân. Hàng năm, Chính phủ Singapore dành 20% tổng ngân sách quốc gia cho việc đầu tư vào giáo dục - chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất trong tất cả các ngành.
Chất lượng giáo dục luôn luôn được chú trọng cả về cơ sở vật chất và tài sản trí tuệ. Theo QS Best student cities 2012, Singapore được xếp hạng là thành phố đào tạo đại học tốt nhất châu Á. Trong số 6 trường đại học công lập tại Singapore, trường NTU và NUS được xếp hạng top 50 trường đại học tốt nhất trên toàn thế giới. Ngoài hệ thống các trường công lập, tại Singapore còn có một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc biến Singapore thành Global Schoolhouse, mang sinh viên quốc tế trên toàn thế giới đến đây học tập và đem lại cho Singapore nguồn thu đáng kể, đó là hệ thống các trường tư.
Hệ thống các trường tư đào tạo bậc đại học và sau đại học tại Singapore được định hướng theo chủ trương "đi tắt đón đầu". Điều này có nghĩa là họ không tự cấp bằng đại học và sau đại học mà tìm kiếm, liên kết đào tạo với các đại học đối tác nước ngoài - những trường đã có kinh nghiệm đào tạo lâu năm và đã được thế giới công nhận về chất lượng đào tạo. Bằng cấp sẽ do các trường đại học đối tác cấp cho sinh viên khi các em hoàn thành chương trình học tại Singapore, cho phép sinh viên được học các chương trình tiên tiến của các quốc gia phát triển hơn với một mức chi phí vừa phải.
Chương trình đào tạo tại các trường tư thường được rút ngắn với thời gian 2 - 3 năm để hoàn thành khoá đại học và 12 - 15 tháng cho khoá thạc sĩ. Điều này có được là do các trường tư, sinh viên không nghỉ hè, kết thúc mỗi bậc học, sinh viên nghỉ từ 2 đến 3 tuần trước khi chuyển lên bậc học cao hơn. Ngoài ra, sinh viên học các môn chuyên ngành được phát triển những kỹ năng và kiến thức chuyên sâu theo đúng khả năng và sở thích của mình ngay từ năm đầu tiên chứ không học dàn trải các môn kiến thức cơ bản chung chung.
Chất lượng đào tạo tại các trường tư được kiểm soát chặt chẽ bởi Uỷ ban quản lý các trường tư Council for Private Education (CPE) trực thuộc bộ giáo dục Singapore với các chính sách ngặt nghèo, đảm bảo chất lượng đào tạo, bằng cấp và đặc biệt là chính sách bảo vệ sinh viên quốc tế đến theo học tại Singapore.
Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/nen-giao-duc-singapore-a6146.html