‘Mỹ’ và ‘Hoa Kỳ’ – Có gì khác nhau?

Vanvn- Theo thống kê, thế giới hiện nay có 193 quốc gia đang là thành viên chính thức của Liên hiệp quốc. Trong số đó, có một quốc gia, viết theo tiếng Anh là “The United States of America” (viết tắt: USA), nhưng trong tiếng Việt, nước này được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Mỹ, Hợp chúng/ chủng quốc Mỹ, Hoa Kỳ, Hợp chúng/chủng quốc Hoa Kỳ.

Nhà Trắng của Mỹ về đêm

America là tên của 1 trong 6 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Đại Dương, châu Mỹ, châu Nam Cực, châu Phi. Lưu ý: Riêng người Mỹ lại chia thành 7 châu, do tách châu Mỹ thành 2: Bắc Mỹ và Nam Mỹ). The United States of America có nghĩa là “các nước liên hợp (của/thuộc) châu Mỹ”. Tên gọi này có thể gây nhầm lẫn (giữa người Mỹ và người châu Mỹ). Vì vậy, trước đây, nhiều người, nhiều nước khác không đồng tình với tên gọi này. Nhưng trải qua nhiều năm lịch sử, nhân loại đã chấp nhận cái tên này và đây là một quốc gia có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao… trên thế giới.

Người Trung Quốc gọi tên nước The United States of America mà ta đang nhắc đến là “Mỹ Lợi Kiên Hợp chúng quốc”. Mỹ Lợi Kiên là phiên âm rút gọn của America (tiếng Hán phát âm là “mây-li-chi-en”). Còn “Hợp chúng quốc” là tên dịch của United States, với nghĩa là “nhiều nước hợp lại”. “Chúng” là một yếu tố Hán Việt, có nghĩa là “nhiều”. Ta thường thấy “chúng” này trong nhiều kết hợp: “Chúng sinh” (nghĩa đen là “các giống loài có sự sống”), đang được dùng với 2 nghĩa: “1. tất cả các sinh vật nói chung, cũng dùng để chỉ người và động vật, theo quan niệm của Đạo Phật; 2. tất cả những cô hồn không ai thờ cúng, theo quan niệm dân gian”; chúng nhân (đông người); chúng vị (các vị); chúng khẩu đồng từ (đông người cùng một lời), chúng cư (hiện đang viết nhầm là “chung cư”) v.v…

Hiện nay, quốc gia có tên The United States of America được người Việt gọi là “Hợp chủng/chúng quốc Mỹ” hoặc ngắn gọn là “Mỹ”. Điều lạ là tên gọi “Hợp chủng quốc Mỹ” được dùng nhiều hơn “Hợp chúng quốc Mỹ” trong giao tiếp tiếng Việt hiện nay. Do nhiều người hiểu tổ hợp này là “nước nhiều chủng tộc” (có lẽ theo suy luận nước Mỹ nhiều chủng tộc: Da trắng, da đen, da đỏ, da vàng…). Tần số dùng “Hợp chủng quốc” nhiều tới mức biến thể này không những lấn át “Hợp chúng quốc” mà nhiều khả năng trở thành biến thể chuẩn (thói quen ngôn ngữ lợi hại thế đấy. Ai đó giờ đây mà nói “chúng cư” thay cho “chung cư”, “trú sở” thay cho “trụ sở”… là sẽ bị bắt lỗi liền).

Còn từ “Hoa Kỳ”, vốn là tên gọi khẩu ngữ của người Trung Quốc (cách đây khoảng hơn nửa thế kỷ). Hoa Kỳ (âm Hán Việt) có nghĩa là “cờ hoa”. “Hoa Kỳ quốc” là “nước có cờ hoa (hay “cờ sao”)”. Chúng ta biết, quốc kỳ Mỹ trước đây có 13 ngôi sao và 13 vạch (7 vạch đỏ, 6 vạch trắng) tượng trưng cho 13 bang của thời kỳ lập quốc. Hiện nay, cờ Mỹ có 50 ngôi sao, tượng trưng cho 50 bang, còn số vạch vẫn giữ nguyên. Người Mỹ gọi quốc kỳ của mình là “Stars and Stripes” (Sao và Vạch).

Từ lâu, “hoa kỳ” đã có trong giao tiếp tiếng Việt qua một đồ dùng thông dụng là “đèn hoa kỳ” (không viết hoa). Đây là một loại đèn thắp sáng, dùng nhiên liệu dầu hỏa, có bấc tròn và núm vặn to nhỏ. Trong những năm trước đây, đèn hoa kỳ là công cụ thắp sáng chủ yếu của người Việt Nam do đơn giản, tiện dụng, rẻ tiền. Bây giờ, có lẽ người ta chỉ dùng trong một vài trường hợp (như đặt trên bàn thờ, giữ lửa ở những vùng sâu vùng xa…). Sự phong phú của các loại đèn chạy năng lượng điện hiện nay đã đẩy đèn hoa kỳ về quá khứ.

Việc gọi tên một nước bằng cách mô phỏng lá quốc kỳ của họ kể cũng lạ. Hiện nay, trong những văn bản trang trọng mang tính quốc gia, cái tên “Hợp chủng/ chúng quốc Hoa Kỳ” được dùng chính thức thay cho “Hợp chủng/ chúng quốc Mỹ”. Văn bản Hiệp định Paris về Việt Nam (1973) không dùng từ “Mỹ” mà dùng “Hoa Kỳ” (điều này được các chuyên gia ngôn ngữ 2 bên chấp nhận). Báo chí của ta hiện nay nếu đưa tin hay tường thuật các cuộc gặp cấp cao giữa 2 nước cũng dùng “Hoa Kỳ”. Có lẽ từ “Hoa Kỳ” có ngữ nghĩa trung tính, phù hợp cho các văn bản hay diễn từ ngoại giao.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/hoa-ky-co-phai-la-my-khong-a54728.html