Giới trẻ Hà Nội thức xuyên đêm lấy chỗ, chi gần 80 triệu đồng "săn" Labubu

Có mặt tại trung tâm thương mại ở quận Long Biên (Hà Nội) trong một sự kiện tháng 11, phóng viên Dân trí bất ngờ khi thấy hàng trăm người xếp hàng theo số thứ tự bên ngoài cổng chính từ sớm. Họ chờ mua Labubu - món đồ chơi nghệ thuật (art toy) được đông đảo bạn trẻ quan tâm suốt nhiều tháng qua.

Theo chia sẻ của một số bạn trẻ, đây là dịp hiếm hoi thương hiệu đồ chơi nghệ thuật này mở cửa hàng pop-up (cửa hàng tạm thời) bày bán số lượng giới hạn các mẫu Labubu quý hiếm tại Hà Nội.

Mỗi khách hàng được cấp số thứ tự và thông báo khung giờ cụ thể để tránh tình trạng chen lấn. Nhiều người tận dụng cơ hội này để kinh doanh số thứ tự 1-100. Giá giao dịch cho mỗi số thứ tự dao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, phụ thuộc vào mức độ ưu tiên và vị trí xếp hàng.

Với các tín đồ sưu tầm dòng sản phẩm Labubu, họ sẵn sàng đầu tư số tiền lớn để tăng khả năng sở hữu món đồ yêu thích.

Giới trẻ Hà thành xếp hàng 3 tiếng "săn lùng" Labubu và bán lại với giá gấp đôi (Video: Tiến Bùi).

Vượt 15km, chi gần 80 triệu đồng để gom hàng

Từng có 5 lần theo chị gái đi "săn lùng" búp bê Labubu tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội, Phan Thùy Anh (SN 2003) cho biết: "Tôi đi khoảng 15km từ quận Cầu Giấy sang đây để xếp hàng và mua đồ chơi hộ chị với số lượng lớn. Đường đi đến đây có phần khá tắc nghẽn nhưng may mắn, tôi đến kịp lúc 8h để vào khu vực xếp hàng.

Tôi không phải người kinh doanh mặt hàng này, chủ yếu rảnh rỗi nên vừa đi giúp chị, vừa kiếm thêm tiền từ việc xếp hàng hộ mọi người. Mỗi lượt đứng chờ ở đây, tôi được trả khoảng 200.000 đồng và tối đa là hai lượt/ngày".

Trong những lần đi lấy hàng cùng chị, Thùy Anh từng chứng kiến cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, thậm chí cãi nhau, giữa người mua và nhân viên cửa hàng. Khoảnh khắc ấy khiến nữ sinh cảm thấy bối rối, lo lắng. Cô luôn tự nhắc nhở bản thân phải giữ bình tĩnh, di chuyển cẩn thận để tránh xảy ra tình huống không mong muốn.

Hàng trăm bạn trẻ xếp hàng từ ngoài vào tận bên trong sảnh chính của trung tâm thương mại để mua búp bê Labubu.

Nhóm của Thùy Anh gồm 4-5 thành viên, phối hợp chia nhau xếp hàng theo từng khung giờ để tối ưu thời gian chờ đợi. Sau một buổi sáng tích cực gom hàng, cô gái sinh năm 2003 ước tính đã chi gần 80 triệu đồng cho hai xe đẩy chất đầy đồ chơi, chủ yếu là các mẫu búp bê Labubu với đủ kích cỡ.

"Nói về giá trị thì lần đi "săn" hàng tại trung tâm thương mại ở quận Tây Hồ là tôi mua được nhiều nhất. Trung bình một hóa đơn của nhóm tôi rơi vào khoảng 7 triệu đồng.

Nếu bạn xác định đi đến các pop-up để gom hàng về bán thì số tiền bỏ ra mỗi lần như thế này không thể dưới vài chục triệu đồng. Tùy vào độ khan hiếm của các mẫu ở mỗi thời điểm, chúng tôi sẽ lãi được nhiều hay ít", Thùy Anh tiết lộ.

Giới trẻ Hà Nội thức xuyên đêm lấy chỗ, chi gần 80 triệu đồng săn Labubu - 3
Thùy Anh (ngoài cùng bên trái) nhiều lần hỗ trợ chị gái thu mua búp bê Labubu số lượng lớn ở các trung tâm thương mại.

Không chỉ ở Việt Nam, Labubu còn liên tục "cháy hàng" tại một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trước tình trạng khan hiếm hàng, nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp 2-3 lần để sở hữu mẫu búp bê độc đáo này.

Sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, Tôn Nữ Phương Thảo (SN 1993, Thừa Thiên Huế) từng nhiều lần phải nhờ bạn bè ở Việt Nam mua Labubu và chuyển phát nhanh sang Nhật để bán.

Cô nàng bộc bạch: "Tại Nhật Bản, để sở hữu Labubu, khách hàng phải tham gia quay số thứ tự do nhân viên tổ chức, thay vì xếp hàng chờ đợi từ sớm như ở các quốc gia khác. Hình thức này giống như trò chơi may rủi, nếu số thứ tự của bạn được chọn thì sẽ có cơ hội vào cửa hàng để mua sắm. Ngược lại, bạn buộc phải chờ đến đợt mở bán kế tiếp".

Theo Phương Thảo, người Nhật không quá yêu thích Labubu. Các khách hàng của cô chủ yếu là người Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan sinh sống và làm việc tại xứ phù tang. Với giá trị bán lại tăng cao, mỗi đợt thu mua art toy, cô thường chi ra khoảng 30-40 triệu đồng.

Phương Thảo nhớ lại trải nghiệm "săn" hàng đáng nhớ nhất là khi cửa hàng chính hãng tại Nhật Bản thông báo mọi người không cần quét mã hay quay số thứ tự may mắn, ai đến trước sẽ được ưu tiên mua sắm.

Thời điểm đó, trung tâm thương mại tại thành phố Osaka (Nhật Bản) chật kín người, chủ yếu là khách Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy và tranh cãi diễn ra gay gắt khiến không khí trở nên ngột ngạt, căng thẳng.

"Ngoài Labubu, một số món art toy cũng liên tục bị độn giá lên rất cao. Có mẫu mô hình nhân vật hoạt hình mua tại cửa hàng giá 4 triệu đồng, nhưng khi bán lại có thể lên đến 18-25 triệu, tùy từng thời điểm", Phương Thảo nói thêm.

Do nhu cầu mua Labubu tại Nhật Bản tăng cao, Phương Thảo phải về Việt Nam để tìm kiếm và thu gom hàng.

Tiến Mạnh (SN 2001, Nam Định) cho biết, bản thân từng phải nhiều lần bay vào Đà Nẵng, TPHCM để có thể tìm mua Labubu. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra không như mong muốn của anh chàng khi các sản phẩm bán ra đều bị giới hạn số lượng.

"TPHCM và Đà Nẵng là hai nơi tại Việt Nam có cửa hàng chính hãng bán Labubu nên tôi thường xuyên di chuyển để tìm kiếm những mẫu giới hạn. Chi phí máy bay, ăn ở tăng cao khiến tiền lãi thu về không được nhiều.

Món đồ chơi tôi mong muốn đều có giá bán lại cao gấp 2-3 lần nên không thể bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền. Mức giá cho một hộp Labubu nguyên tem liên tục thay đổi theo tuần. Nếu gom hàng không tính toán kỹ càng, bạn sẽ phải chấp nhận ra về tay trắng", Tiến Mạnh tiết lộ.

Sức hút của Labubu đến từ đâu?

Một trong những người khiến cơn sốt Labubu lan rộng khắp châu Á phải kể đến Lisa - thành viên nhóm Blackpink. Cô từng không ít lần bày tỏ sự thích thú khi nhận được món đồ này trên mạng xã hội và gắn chúng vào túi xách trong những lần ra sân bay.

Theo Nationthailand, hành động này của Lisa đã khiến giá búp bê Labubu tăng vọt 400%. Thậm chí, các thành viên Blackpink còn liên tục được người hâm mộ bắt gặp sử dụng Labubu ở cuộc sống đời thường.

Với mong muốn "cheap moment" (thuật ngữ chỉ việc dùng chung món đồ) với thần tượng, không ít người hâm mộ ở Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam... sẵn sàng chi số tiền "khủng" để tìm mua những mẫu Labubu mà thành viên Blackpink sử dụng.

Không chỉ vậy, nhiều người nổi tiếng như Hoa hậu Kỳ Duyên, siêu mẫu Thanh Hằng, ca sĩ Phương Ly... cũng nhanh chóng sở hữu các mẫu búp bê Labubu. Thay vì là món đồ chơi thông thường, Labubu dần trở thành phụ kiện sang chảnh, trang trí trên túi hàng hiệu đắt đỏ.

Tình cờ biết đến và say mê búp bê Labubu từ giữa năm 2023, Đỗ Trinh (SN 1993, Hà Nội) không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội tham gia sự kiện mua sắm độc đáo tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội.

Không giống như nhiều người tìm đến búp bê Labubu với mục đích kinh doanh, kiếm thêm thu nhập, Đỗ Trinh lại chủ yếu "săn" vì đam mê.

Giới trẻ Hà Nội thức xuyên đêm lấy chỗ, chi gần 80 triệu đồng săn Labubu - 6

Đỗ Trinh không coi Labubu là mặt hàng kinh doanh. Cô chủ yếu sưu tầm vì sở thích cá nhân.

"Lần đầu mua thử hai hộp Labubu tại pop-up ở trung tâm thương mại quận Tây Hồ, tôi thực sự mê mẩn vẻ đẹp, sự dễ thương của các bé búp bê này. Đối với tôi, đây không chỉ là đồ chơi dành cho trẻ em, mà còn có thể sử dụng giống như món phụ kiện trang trí túi xách.

Tôi không phải là người kinh doanh kiếm tiền hay đam mê Labubu quá mức để bỏ công, bỏ việc đi "săn" hàng. Khi nào có thời gian rảnh hay được nghỉ, tôi mới đi mua những món đồ mà bản thân thực sự thích và cần", Đỗ Trinh bộc bạch.

Thời điểm Labubu mới ra mắt, Đỗ Trinh thừa nhận, bản thân không hề thích món đồ chơi này và cho rằng chúng quá đắt đỏ, không đem lại lợi ích gì. Tuy nhiên, cô hoàn toàn "quay xe" và trở thành tín đồ sưu tập art toy khi tận tay cầm cũng như trải nghiệm trực tiếp tại cửa hàng.

Quang Sơn (sinh năm 2002, Hà Nội) là một trong những tín đồ đam mê sưu tầm art toy. Bắt đầu theo đuổi con đường này từ đầu năm nay, chàng trai nhanh chóng xây dựng cho mình bộ sưu tập đáng nể với hơn 100 món đồ chơi chính hãng. Mỗi món đồ đều mang dấu ấn nghệ thuật và kỷ niệm riêng.

Nam sinh cho biết: "Từ đợt thông báo mở pop-up tại Hà Nội, ngày nào tôi cũng đi "săn" hàng với giá gốc. Tôi là người chơi art toy nên búp bê Labubu chỉ là một trong những sản phẩm mà tôi mong muốn sưu tập. Nếu không mua được thì cũng không phải vấn đề gì quá lớn".

Để có mặt tại trung tâm thương mại, Quang Sơn phải đứng đợi trong khoảng 2-3 tiếng bên ngoài. Thông thường vào trước ngày mở pop-up, nam sinh sẽ tìm trang thông tin của cửa hàng trên mạng xã hội và xem đầy đủ thông báo về những sản phẩm bày bán, tìm món đồ chơi yêu thích...

Giới trẻ Hà Nội thức xuyên đêm lấy chỗ, chi gần 80 triệu đồng săn Labubu - 7
Búp bê Labubu phiên bản Halloween có giá gốc 600.000 đồng là món đồ chơi được nhiều bạn trẻ Hà thành tìm kiếm.

"Tùy vào độ may mắn của mỗi người, bạn có thể lấy được số thứ tự bé nhất để vào cửa hàng mua sắm. Một số trường hợp có số đẹp nhờ vô tình vào mạng xã hội đúng lúc trang thông tin của cửa hàng lên bài quét mã QR lấy số xếp hàng.

Tuy nhiên, chỉ cần chậm 2-3 phút là bạn đã hoàn toàn mất đi cơ hội mua sắm sớm nhất tại cửa hàng pop-up. Ngoài những người đam mê đồ chơi ở Hà Nội, mọi người còn phải cạnh tranh bấm số thứ tự với cả các bạn đến từ TPHCM, Huế, Đà Nẵng… và các vùng lân cận khác", Quang Sơn nói thêm.

Ảnh: Minh Ong, Tiến Bùi

Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/gioi-ha-noi-a53503.html