Với khoảng trên 35000 cây, vùng Bảy Núi An Giang được xem là xứ sở thốt nốt ở miền Tây sông nước. Cây thốt nốt gắn liền với đời sống hàng ngày của người An Giang.
Đi dọc xứ sở thốt nốt ở miền quê An Giang không khó để bắt gặp những hàng cây thốt nốt cao lớn vươn mình. Thốt nốt phân bố nhiều ở các huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên và trên đường đi rừng tràm Trà Sư. Người dân vẫn quen gọi Bảy Núi là Thất Sơn. Tương truyền đây là một dãy núi nhấp nhô gồm bảy ngọn không liên tục, vắt ngang thị xã Tịnh Biên và huyện Trị Tôn. Nhờ có thổ nhưỡng đặc trưng nên vùng đất này thích hợp cho cây thốt nốt phát triển.
Vào mùa khô, những hàng cây thốt nốt xanh rì đung đưa trong gió. Đến Tịnh Biên, bạn sẽ bất ngờ trước cây thốt nốt sinh đôi trên cánh đồng lúa xã Văn Giáo. Những hàng thốt nốt chạy dài ở xã An Nông cũng là hình ảnh đẹp. Đặc biệt, hàng thốt nốt sau chùa “Sà - Đách - Tót” được nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến. Hình ảnh người dân thoăn thoắt leo cây thốt nốt cũng thật đẹp. Khung cảnh hữu tình thích hợp là điểm đến tham quan lý tưởng cùng với bạn bè, gia đình.
Thốt nốt là loại cây trồng lâu năm, gắn liền với đời sống sinh hoạt của xứ sở thốt nốt An Giang. Lá và thân cây có thể dùng để lợp nhà, làm củi, đan nón lá hay đan rổ… Cũng giống như dừa, trái thốt nốt mọc thành buồng. Khi trái non có màu xanh, lúc chín chuyển sang màu tím thẫm, căng bóng. Bên trong có cơm dày màu trắng, mềm dẻo, mùi thơm, vị ngọt. Người ta thường kết hợp ăn cơm thốt nốt chung với nước và cho thêm vào một ít đá lạnh.
Để làm ra được những ly nước thốt nốt ngọt lịm cũng rất công phu. Không như nước dừa, nước thốt nốt được người dân lấy từ vòi hoa trên cây. Người ta thường leo lên cây, buộc cái ống nhỏ vào đầu mỗi cụm hoa rồi dùng dao cắt một đoạn. Sau đó lấy bình để hứng nước và để qua đêm. Nước thốt nốt được nhỏ xuống từ chính những chùm hoa. Sáng hôm sau, người ta mới trèo lên lấy nước đã hứng vào bình.
Tên gọi bắt nguồn từ tiếng Khmer là “th’not”, nhưng lâu dần người ta đọc trại ra là thốt nốt. Ở xứ sở thốt nốt, mỗi cây có thể cao đến 30m. Tất cả những bẹ lá đều tập trung ở ngọn và kết thành tán tròn. Cây trồng phải trên 30 năm mới cho trái và nước đường. Cây thốt nốt đực chỉ ra hoa mà không kết trái. Vì thế người dân thường leo thốt nốt đực để lấy nước từ nhụy hoa.
Nước thốt nốt được người dân nấu thành đường bằng phương pháp thủ công. 10 lít nước thốt nốt sẽ được nấu trong chảo gang đặt trên lò đất đỏ lửa mới cho ra 1kg đường thành phẩm. Trong quá trình nấu phải khuấy liên tục đến khi đường cô đặc, có màu vàng. Ngoài sản phẩm chính là lấy nước làm đường, thốt nốt còn được dùng để làm bánh bò hoặc nấu chè. Nghề làm đường thốt nốt truyền thống vẫn tồn tại và phát triển, làm nên thương hiệu đặc trưng vùng Bảy Núi An Giang.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
iVIVU.com Tháng Tám 28, 2024
Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/cay-thot-not-an-giang-a53500.html