Mặc dù đã đến hồ Thượng Long (người dân vẫn gọi là hồ Ly) xã Thượng Long, huyện Yên Lập nhiều lần, nhưng với tôi vẫn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Những lần đó, tôi mới dừng lại ở việc đứng trên mặt đập và ngắm nhìn cây cầu treo mỏng manh như một sợi tơ chùng vắt qua mặt hồ xanh thẳm. Lên hồ Ly lần này với 100 ngàn đồng chúng tôi được anh Tiến - một thanh niên người dân tộc Mường am hiểu mọi ngõ ngách, từng loài thủy sản của hồ dẫn đi thăm quan mọi ngóc ngách, khe, luồng của hồ.
Mặt nước hồ Ly luôn phẳng lặng mà khi ngắm nhìn thường có cảm giác trời nhân đôi, núi nhân đôi, cây nhân đôi nhờ soi bóng mặt nước. Sau khi ngăn đập, hồ Ly trở thành một trong 10 hồ có trữ lượng nước lớn nhất tỉnh. Hồ Ly bao gồm đập cao trên 28m với chiều dài 100m; mái đập được gia cố bởi khung bêtông cốt thép và đá khan. Tràn xả lũ có chiều dài dốc nước 146m. Diện tích mặt nước của hồ là 40ha. Hồ có sức chứa khoảng trên 3 triệu m3 nước. Về thủy lợi, hồ có khả năng cung cấp nước tưới cho trên 500ha lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân ở Thượng Long, Nga Hoàng, Hưng Long, Phúc Khánh, Đồng Thịnh và thị trấn Yên Lập. Không biết các kỹ sư thủy lợi khi thiết kế con đập ngăn nước để tạo nên hồ có hình dung được sau này nằm giữa rừng có một hồ nước xanh như một viên ngọc lưu ly?
Hồ Ly được thủy tụ từ hai khe bởi khe Ly và khe Chanh. Và người dân lấy tên khe Ly làm tên gọi cho hồ. Hồ Ly được chia làm hai nhánh lớn và được bao quanh bởi núi đồi trập trùng, khung cảnh như trong tranh vẽ. Cảnh hồ luôn mang lại cảm giác bình yên và thư thái cho du khách. Trong tiết chớm thu, một chiếc thuyền nan nhỏ rẽ nước, người đàn ông bơi thuyền như một lữ khách cô độc đang chia đôi trời, nước về hai phía như một bức tranh thủy mặc mà bất kỳ người họa sỹ nào chứng kiến cũng phải thảng thốt làm sao có thể pha được mầu như vậy? Trên những núi, những đồi là bạt ngàn rừng quế của bà con người Dao, người Mường. Cùng đó là cây nguyên liệu giấy, cây bản địa ngút ngàn tầm mắt. Đã đến đây lòng ai cũng thầm ao ước giá như mình có một căn nhà nhỏ để cuối tuần được về hòa mình với thiên nhiên, được sống chan hòa với những người dân hiền lành, giản dị mộc mạc nơi đây.
Ông Bùi Tiến Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Hiệu quả thủy lợi của hồ Ly là rất tốt. Nhưng chúng tôi muốn phát triển thành nơi nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là du lịch sinh thái. Cùng với các danh lam thắng cảnh khác như: Thác Đá Thờ, Lòng chảo và chiến khu Phục Cổ xã Minh Hòa… Hồ Ly sẽ là nới hấp dẫn khách du lịch. Nếu được đầu tư, xây dựng, khu vực hồ Ly có thể trở thành các khu du lịch sinh thái, cùng với du lịch khám phá; du khách đến đây có thể trải ngiệm bằng các hoạt động: Bơi thuyền, lướt ván, tắm, câu cá, leo núi, thăm quan các bản làng dân tộc Dao, Mường ven hồ. Và những món ăn đặc sắc, cùng với các sản phẩm núi rừng, các mặt hàng thổ cẩm của bà con nơi đây chắc chắn sẽ hài lòng du khách.
Hôm chúng tôi đến, mấy tay thợ câu gạ gẫm bán cho con cá trắm hơn 20 kg và mời mọc: Cá béo, thịt trắng và thơm ngon lắm! Mặc dù có tiềm năng về thủy sản, nhưng ngoài việc ngành nông nghiệp có đôi lần thả cá giống xuống thì nguồn thủy sản hồ Ly vẫn là tự nhiên và đánh bắt của người dân cũng rất… tự nhiên vì nguồn thủy sản vẫn chưa được quản lý. Với mặt nước rộng và có nơi độ sâu trên dưới 15m thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở đây là rất lớn.
Trong khi chưa có các dự án nuôi trồng thủy sản và du lịch nào được triển khai, nhưng về cảnh quan hồ Ly vẫn là nơi lý tưởng cho những ai ưa thích du lịch sinh thái.
Nguồn: www.phutho.gov.vn
Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/ho-ly-yen-lap-a53025.html