Tình yêu khác trình độ, chênh đẳng cấp liệu có bền chặt?

Đừng lấy "đẳng cấp" làm thước đo trong tình yêu

Đó là quan điểm của Phạm Hiếu Trung (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Với chàng trai này, nếu nói "nên chọn người có trình độ tương đương, cùng đẳng cấp để yêu" thì chuyện tình cảm sẽ không đơn thuần, đẹp đẽ như ý nghĩa vốn có của nó.

"Tình yêu thực chất là thứ tình cảm rất tinh tế, nếu không có đủ "trí tuệ" trong tình yêu, người ta khó có thể cảm nhận được hạnh phúc thật sự của tình yêu. Và những thứ tình cảm mang lại sự thỏa mãn tầm thường thì chúng ta không bàn đến. Với mình, đừng nên lấy đẳng cấp làm thước đo trong tình yêu.

Tình yêu khác trình độ, chênh đẳng cấp liệu có bền chặt? - 1
Hiếu Trung hạnh phúc bên bạn gái.

Tất nhiên thì có những người sẽ thích cùng trình độ, đẳng cấp vì có lẽ đó là mức tiêu chuẩn mà bản thân họ tạo ra. Họ đã cố gắng để có được ngày hôm nay thì họ sẽ đề ra hình mẫu một người phải có trình độ bằng họ hoặc thậm chí giỏi hơn họ.

Tóm lại theo mình thấy mỗi người sẽ có một cách nhìn trong tình yêu của họ, miễn nó đem lại hạnh phúc, sự hòa hợp, đồng điệu về tâm hồn và cảm xúc bên cạnh nhau là được.

Trong tình yêu để giữ được sự hạnh phúc có lẽ cần biết nhường nhịn, chia sẻ nhiều hơn và tôn trọng cảm xúc của nhau, mang lại cảm giác an toàn cho người mình yêu. Đến được với nhau đã là một cái duyên rồi thì chúng ta nên tôn trọng và nâng niu những phút giây khi còn bên cạnh nhau.

Mình và bạn gái luôn có những mục tiêu chung để cùng nỗ lực đạt được. Tuổi trẻ mà chúng ta hãy cùng nhau làm những gì mà mình thấy thích để sau này nhìn lại không cảm thấy nuối tiếc. Đừng chăm chăm nhìn vào hai chữ "đẳng cấp" mà bỏ quên những thứ khác".

"Môn đăng hậu đối" cũng là một yếu tố quan trọng

Trong cách nhìn nhận của Phùng Thị Hà Thương (ĐH Kinh tế Quốc dân), "môn đăng hậu đối" cũng là một yếu tố quan trọng trong tình yêu. Theo đó, trước khi tính đến chuyện yêu đương, cần có thời gian để tìm hiểu về đối phương.

"Một người được nuôi dưỡng, lớn lên trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt thì cũng nhờ đó có được cách tư duy tốt. Đó là chàng trai biết phấn đấu, tất nhiên trừ trường hợp anh ta là người ưa dựa dẫm thì mình không bàn đến. Mình nghĩ, nếu yêu một người nghiêm túc, bàn tính đến chuyện tương lai thì hãy xem xét về khía cạnh "môn đăng hậu đối" của hai bên.

Tình yêu khác trình độ, chênh đẳng cấp liệu có bền chặt? - 2
Hà Thương cho rằng "môn đăng hậu đối" cũng là yếu tố quan trọng.

Nhìn nhận vào thực tế cho thấy, khi hai người có xuất phát điểm chênh nhau nhiều thì sẽ rất khó để có cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề, giải quyết vấn đề phù hợp. Với mình, nên có sự bằng nhau về trình độ, bằng cấp. Đó không phải là yêu thực dụng mà nó là thực tế. Khi trưởng thành rồi, tình yêu không đơn thuần chỉ là "yêu vì thích, yêu chỉ vì cảm xúc" được mà nó bao hàm thêm nhiều thứ khác nữa".

Bằng cấp suy cho cùng chỉ là hình thức

Diệp Bảo Trân (ĐH Văn Lang) vẫn luôn giữ quan điểm, bằng cấp, học thức suy cho cùng chỉ là một hình thức để hai người hiểu nhau về suy nghĩ, quan điểm và môi trường phát triển.

Trân bộc bạch: "Với mình tình yêu không có định nghĩa, cũng không có giới hạn, đôi khi vì những sự khác biệt mà mình cảm thấy sức hút từ đối phương. Quan trọng là cảm xúc mình dành cho đối phương như thế nào.

Nếu chỉ là vì yêu, về mặt cảm xúc, mình nghĩ sẽ không có gì đong đếm được rằng hạnh phúc nhiều hơn hay ít hơn. Theo mình tất cả những gì về tình yêu thì chỉ gói gọn vào chữ yêu thôi, còn lại thì mọi thứ không quan trọng.

Vì ở bất cứ địa vị nào, học thức nào cũng có xúc cảm, cũng có rung động, không nhất thiết phải là nghề này mới xứng với nghề kia. Mình gặp họ, mình rung động thì lúc đó họ đâu có treo bản ở trước họ là ai đâu. Mình không quan trọng khởi điểm người đó là ai, mà tương lai họ là người như thế nào.

Đôi khi có tình yêu mình lại có động lực, lại có thêm ý nghĩa để mình phấn đấu. Mình nghĩ là mình không thể quyết định hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng mình sẽ lựa chọn được địa vị mình đứng trong tương lai".

Tình yêu khác trình độ, chênh đẳng cấp liệu có bền chặt? - 3
Diệp Bảo Trân đề cao cảm xúc và sự thấu hiểu khi yêu.

Mức độ hiểu biết tương đương sẽ không khiến đối phương tự ti mà rời bỏ

Còn với Thùy Linh (Hà Nội), cô đề cao sự tương đương trong tư duy cuộc sống, mức độ hiểu biết của đối phương.

Linh kế: "Mình đã từng yêu một bạn nam bỏ học đại học giữa chừng với lý do gia đình không có điều kiện học tiếp. Mình chia tay cũng vì lẽ này. Mình cho rằng, khó khăn không phải là lực cản để anh ấy quay lùi lại. Mình khá thất vọng vì anh ấy không có chí tiến thủ, không có mục tiêu, không có đích đến trên con đường sự nghiệp.

Từ đó, mình luôn nghĩ nên yêu cùng trình độ, đẳng cấp, bởi lẽ hai người sẽ cùng có nhận thức và cách giải quyết vấn đề chung ít xảy ra mâu thuẫn và bất đồng nhất. Hơn nữa, tư duy cuộc sống, mức độ hiểu biết tương đương nhau sẽ không khiến đối phương tự ti mà rời bỏ. Các mối quan hệ, nhu cầu sinh hoạt, thời gian biểu cũng cảm thông, thấu hiểu cho nhau.

Tất nhiên, ta không đặt nặng và kỳ vọng quá cao vào đối phương. Trước khi kỳ vọng về một mẫu hình lý tưởng nào đó, trước hết phải tạo mình thành hình mẫu đó. Bản thân ta có tốt, có giỏi thì mới quen được người tốt, người giỏi. Nhưng hãy cứ nhìn nhận vào thực tế, có cùng trình độ, đẳng cấp là điều kiện đầu tiên khiến tình yêu trở nên bền hơn".

Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/mot-tinh-yeu-khac-a50838.html