Rằm tháng 7 là dịp lễ vô cùng đặc biệt, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Vào ngày này, để thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo dâng lên tổ tiên, thần linh, các gia đình chuẩn bị mâm lễ cúng dâng lên tổ tiên.
Mâm lễ cúng thường là các món ăn chay, món mặn... và không thể thiếu mâm lễ hoa quả.
Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia chủ mà mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng hoa quả giản dị hay cầu kỳ. Tuy nhiên, các loại hoa quả trong mâm cúng phải được tuyển chọn kỹ càng vì chúng mang hàm ý thành kính, may mắn, cầu tài, cầu lộc cho gia chủ.
Khi lựa chọn hoa quả cúng ngày rằm tháng 7, phải thật chú ý tuyệt đối không lựa chọn hoa quả giả hay hoa quả đã hỏng để bày biện lên mâm cúng. Ngoài ra, không nên dâng lên ban thờ một số loại hoa dưới đây.
Các loài hoa không nên chưng bàn thờ
Hoa được biết đến như tinh túy của cuộc sống. Vì thế, đặt hoa lên bàn thờ gia tiên để cúng có ý nghĩa thể hiện tấm lòng thành kính, sự biết ơn của con cháu, giống như dâng lên bề trên những gì tốt đẹp, tinh tế nhất.
Thực tế mỗi vùng miền và tín ngưỡng sẽ có những phong tục khác nhau. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian Việt Nam hoa ly, dâm bụt, phong lan, cúc vạn thọ, nhài... là những loại hoa không nên chưng bàn thờ.
Hoa ly: theo quan niệm dân gian Việt Nam một số vùng miền cho rằng chữ “ly" trong hoa ly là sự ly biệt, điều này không mang ý nghĩa tốt lành.
Hoa dâm bụt: dù là một loài hoa hàng rào mang một vẻ đẹp bắt mắt nhưng vì cái tên mang ý nghĩa khá tục nên loài hoa này cũng phải kiêng kị.
Hoa phong lan: chữ “phong" trong tên loài hoa này có nghĩa là gió, mà gió sẽ thổi bay mất các điều tốt lành.
Hoa nhài: theo dân ca tục ngữ loài hoa này gian truân khổ ải, vì vậy không nên dâng cúng loại hoa này.
Hoa cúc vạn thọ: với một mùi hương không được dễ chịu, bông hoa này không ai đưa nó lên bàn thờ mâm cúng.
Hoa móng rồng: Hình dạng của hoa giống “móng rồng,” vì vậy không thích hợp để đặt trên bàn thờ.
Những loại hoa được nhiều người dùng để dâng lên tổ tiên
Ngoài việc lựa chọn hoa cúng ngày rằm tháng 7, việc cắm hoa bàn thờ cũng đặc biệt quan trọng. Bởi khi được ngắm nhìn một bình hoa đẹp, chắc chắn mỗi người sẽ cảm thấy thật thoải mái, dễ chịu giống như trút bỏ đi những gánh nặng của tâm hồn.
Để có được một bình hoa đẹp dâng lên tổ tiên, thể hiện lòng thành kính thì việc quan trọng trước hết là chọn được những bông hoa đẹp, thường những loại hoa dưới đây được nhiều người dùng để dâng lên tổ tiên.
Hoa đồng tiền: loại hoa này tượng trưng cho tài lộc, may mắn và xua đuổi tà khí trong gia đình.
Hoa cúc vàng: mang ý nghĩa là sự trường tồn, vĩnh cửu, là biểu tượng của sự sống, phúc lộc và may mắn.
Hoa lay ơn: mang vẻ đẹp thuần khiết, thanh tao và trang nhã. Bởi vậy, loại hoa này đặc biệt thích hợp để dâng lên lễ Phật, bày tỏ sự tri ân với ông bà gia tiên.
Hoa sen: là loài hoa mang vẻ đẹp bình dị, thuần khiết tượng trưng cho đạo Phật. Hoa sen sinh ra từ ao bùn nhưng vươn mình lên để khoe hương, khoe sắc. Dùng hoa sen để dâng lên bàn thờ, tức là dâng lên vẻ đẹp của sự thanh tao, thể hiện sự tôn kính đối với bề trên.
Hoa cát tường: mang lại sự nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng không kém phần ngọt ngào và quý phái. Tên gọi của nó có nghĩa là “may mắn” nên việc chứng lên bàn thờ gia tiên sẽ giúp gia chủ hút tài lộc, vượng khí đầy nhà.
Hoa huệ trắng: Hoa huệ trắng thể hiện sự tinh khiết và vẻ đẹp tinh tế, với những đóa hoa trắng tròn trĩnh vươn cao kiêu hãnh, thể hiện lòng kính trọng với tổ tiên.
Hoa lay ơn (huệ ta): Hoa huệ ta là một loại hoa cúng phổ biến trong các gia đình Việt Nam, mang ý nghĩa của sự thuần khiết, thanh tao, và trang nhã. Hương thơm nhẹ nhàng của hoa huệ ta cũng thích hợp cho các nghi thức lễ cúng trên bàn thờ gia đình, bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật.
Hoa hồng đỏ: Hoa hồng với vẻ đẹp tinh tế và sắc đỏ tượng trưng cho tình yêu, được coi là “nữ hoàng của các loài hoa.” Ngoài ý nghĩa tình yêu, hoa hồng còn mang nhiều giá trị tâm linh khác nhau.
Trong lễ thờ cúng, nhiều gia đình ưa thích sử dụng hoa hồng đậm màu để bày trên bàn thờ gia tiên và bàn thờ Ông Địa, biểu thị sự hạnh phúc và lòng biết ơn. Màu đỏ của hoa hồng cũng được xem là tượng trưng cho may mắn và bình an cho gia chủ.
Rằm tháng 7 nên dâng cúng loại quả nào?
Loại quả nào cũng có thể bày mâm cúng, có gì cúng nấy, không nên quá câu nệ. Tuy nhiên, nên tránh những quả quá chín, giập nát vì không gian thờ cúng cần thanh tịnh, sạch sẽ. Nếu hoa quả chín, giập nát sẽ thu hút côn trùng tới, gây ô uế và phạm bất kính với tổ tiên, thần linh.
Theo quan niệm của nhiều địa phương, không nên chọn các loại quả có vị đắng, cay, chua, chát để dâng lên bàn thờ.
Quả khế: mặc dù quả khế tượng trưng cho vàng bạc nhưng vì vị chua của nó mà không có mấy ai dùng loại quả này để chưng lên mâm cúng.
Quả sầu riêng, mít: với vẻ ngoài xù xì gai góc, loại quả này sẽ khiến gia đình lục đục, ly tán.
Ngược lại với những loại quả trên, một số trái cây như: Bưởi, xoài, cam, chuối... lại được nhiều gia đình lựa chọn để dâng lên bàn thờ.
Bưởi: trái bưởi tròn đầy tượng trưng cho sự sung túc, đoàn tụ của các thành viên trong gia đình, đồng thời người ta tin rằng việc bày bưởi trên mâm cúng còn đem lại may mắn, như một lời chúc phúc cho gia chủ
Xoài: tượng trưng cho vàng bạc tiền tài, màu vàng của xoài cũng là màu sắc của hoàng kim trong quan niệm Á Đông nên xoài là một loại trái cây tuyệt đẹp trên mâm cúng.
Cam: cũng như bưởi, quả cam tròn trịa mọng nước sẽ mang lại may mắn tài lộc cho gia chủ.
Chuối: loại trái cây phổ biến nhất trong tất cả các mâm cúng, có thể thiếu các loại trái cây khác nhưng chuối là không thể thiếu, hình tượng nải chuối như bàn tay chìa ra hứng lấy may mắn tài lộc đong đầy khí phúc hưng vượng.
Đào: trong các câu chuyện dân gian Á Đông, quả đào là biểu tượng cho sự hưng thịnh, sức khoẻ và tuổi thọ. Quả đào lại có mùi thơm dịu dàng rất phù hợp cho việc bày biện mâm cúng.
Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/hoa-qua-le-a47109.html