Du Lịch Miền Tây Thông Tin Du Lịch Miền Tây Núi Cấm - Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm An Giang
Mảnh đất An Giang nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên nhuốm màu sắc huyền bí, trong đó phải kể đến vùng Bảy Núi hay Thất Sơn. Nổi bật trong dãy Thất Sơn là ngọn núi Cấm cao khoảng 710m so với mực nước biển trung bình. Núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, nằm ngay trung tâm của vùng Bảy núi chính vì thế núi Cấm có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt, đỉnh Bồ Hong ở trên núi Cấm chính là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn và cũng là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây, Núi Cấm trở thành điểm tham quan, vui chơi, chiêm bái hấp dẫn bậc nhất trong các điểm du lịch An Giang.
Núi Cấm là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm Thất Sơn được nhiều người mộ đạo coi là ngọn núi thiêng với nhiều tên gọi khác nhau. Từ xa xưa núi Cấm có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa). Cho tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm, mỗi người có cách lý giải theo suy luận riêng của mình.
Tương truyền ngày xưa núi Cấm vô cùng hiểm trở và có nhiều thú dữ, ít ai lui tới nên trở thành một vùng sơn lâm bí ẩn. Lợi dụng sự hoang vu tịch mịch nhiều nhà sư đã tìm đến ẩn tu, các phường lục lâm thảo khấu cũng như những đảng cướp vùng biên thùy phức tạp nầy cũng lấy núi Cấm làm căn cứ.
Để không bị lộ, họ phao tin đồn rằng trên núi có rất nhiều thần linh, người dân không được bén mảng tới, ai vô cớ đặt chân lên sẽ bị quở phạt, về lâm bệnh mà chết. Người dân thời bấy giờ rất sợ và gọi đó là núi Cấm. Một truyền thuyết mang tính lịch sử là Nguyễn Ánh bị quân binh Tây Sơn truy nã đến đây, ông và đoàn tùy tùng chạy lên núi Cấm ẩn trú. Để yên bề bí mật, các cận thần của Nguyễn Ánh cho người đi phao tin rằng trong núi đầy yêu tinh, ác thú nhằm hạn chế sự nhòm ngó của dân lành. Hay lời cấm đoán của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên cấm không cho bổn đạo lên núi làm ô uế núi non nên mới có tên là núi Cấm…
Từ một ngọn núi hoang vu “cấm kỵ”, giờ núi Cấm đã ra dáng là khu du lịch Lâm Viên.
Khu du lịch Núi Cấm tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nằm cách thành phố Long Xuyên 90km và Châu Đốc khoảng 37 km. Nếu như bạn ở Sài Gòn thì có thể ra bến xe miền Tây bắt xe về Long Xuyên. Sau đó, các bạn có thể tham khảo tuyến đường sau đây.
Các bạn có thể chinh phục núi Cấm An Giang vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Trong đó thời gian du lịch núi Cấm đẹp nhất và vào mùa xuân, vì cảnh đẹp khi ấy mới đầy đủ: cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa trái xum xuê. Các hồ núi cao buổi sáng sớm sương trắng giăng đầy, buổi trưa nắng vàng dịu dàng, buổi chiều tối mây là đà bay, tiết trời về đêm se lạnh.
Nếu bạn muốn hòa mình vào không khí sôi động của các lễ hội truyền thống của An Giang thì nên đi vào ngày 23. 24 tháng 4 (Âm Lịch) để tham dự lễ hội vía Bà Chúa Xứ và ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 âm lịch tham gia lễ hội đua bò bảy núi Tết Dolta của dân tộc Khmer.
Lưu ý, khi đi du lịch tới núi Cấm vào 2 tháng này thì các bạn nên mang theo thêm áo mưa hoặc dù, bởi vì những tháng này thường rất hay có mưa. Còn nếu như bạn muốn ngắm nhìn An Giang mùa nước nổi tại trên đỉnh núi Cầm thì nên đi vào khoảng tháng 10 là thích hợp nhất.
Sau khi đến chân núi Cấm - An Giang, bạn cần phải lựa chọn 3 cách đi lên đỉnh núi. Bạn có thể đi cáp treo, đi xe ôm hoặc đi bộ lên đỉnh núi. Đường đi bộ hay xe khá là dễ đi vì được xây mới với đường lộ rộng. Nếu đi cáp treo mang đến cảm giác bay bổng lãng mạn khi được ngắm nhìn phong cảnh núi non hùng vĩ, thì cảm giác ngồi trên ô tô lại rất phiêu lưu hồi hập bởi xe len lỏi qua những con đường quanh co, khúc khuỷu. Đường lên núi Cấm vòng vèo, một bên là núi, một bên là những thung lũng mát rượi bóng cây xanh, mây uốn gió lượn.
Dịch vụ cáp treo lên núi Cấm dành cho ai có sức khỏe không tốt hoặc thời gian hạn hẹp để leo núi. Du khách chỉ mất khoảng 15 phút đi cáp treo là có thể lên tới đỉnh núi. Ngồi trong cáp treo, bạn có thể đưa tầm mắt nhìn rõ cả một khoảng trời An Giang từ trên cao xuống tuyệt đẹp.
Sau đây là sơ đồ chỉ đường.
Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm với hệ thống sinh thái rừng đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, khí hậu quanh năm dịu mát. Khung cảnh hài hoà giữa lối kiến trúc tôn giáo và thiên nhiên là điểm đến lý tưởng để hành hương kết hợp nghỉ dưỡng hết sức độc đáo và hấp dẫn. Đến với Khu du lịch núi Cấm quý khách viếng chùa, tham quan các công trình kiến trúc tôn giáo, du lịch thám hiểm khám phá hang động, tắm suối..
Các công trình kiến trúc và điểm tham quan trên núi Cấm: chùa Vạn Linh, thiền viện chùa Phật Lớn, Hồ Thủy Liêm, Vồ Thiên Tuế, động Thủy Liêm, vồ Bồ Hong, suối Thanh Long, di tích vua Gia Long, điện 13 tầng, hang Bác vật lang, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, điện Rau Tần…
Chùa Vạn Linh còn có tên gọi khác là chùa Lá được Hòa thượng Thích Thiện Quang khai sơn năm 1927, ban đầu được dựng đơn sơ chỉ là một ngôi tự bằng tranh. Năm 1995, chùa được thiết kế, xây mới theo lối kiến trúc cổ truyền phương Đông, nổi bật nhất là ba ngọn tháp uy nghi, trầm mặc, được đặt tại ba vị trí khác nhau ở phía trước tiền đường, đó là: tháp Quan Âm 9 tầng cao hơn 35m (ở chính giữa), tháp Hoà thượng khai sơn Thích Thiện Hạ Quang 3 tầng (ở bên phải) và tháp chuông 9 tầng với quả đại Hồng chung nặng 1,2 tấn (ở bên trái).
Ngôi chùa tiếp theo du khách nên khám phá khi đến núi Cấm là chùa Phật Lớn. Chùa Phật Lớn còn có tên gọi khác là Thiền Viện Chùa Phật Lớn. Chùa được xây dựng vào năm 1912. Chùa sở hữu tượng một tượng Phật Di Lặc rất lớn, cao 33.6 mét nên mới được gọi là Chùa Phật Lớn. Tượng phật Di Lặc ở chùa Phật Lớn còn được sách Kỉ Lục Việt Nam ghi nhận là tượng Di Lặc lớn nhất Việt Nam.
Hồ nước Thủy Liêm nằm ngay trung tâm núi Cấm. Nó tạo nên cảnh quan hữu tình, thơ mộng lãng mạn cho nơi đây. Hồ nước có diện tích hơn 60.000 mét vuông với sức chứa hơn 300.000 mét khối nước. Xung quanh hồ được trồng hoa và bắc cầu tạo cảnh quan tuyệt đẹp. Do nhu cầu tâm linh, hồ Thủy Liêm ngày nay còn trở thành địa điểm thả cá phóng sinh lý tưởng của du khách.
Nếu có dịp nghỉ đêm trên đỉnh núi cao nhất miền Tây này, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị và ấn tượng. Các quán cà phê từ bình dân đến sang trọng đều được xây dựng quanh bờ hồ Thủy Liêm, hướng mặt ra hồ và đón từng làn gió mát dịu. Du khách có dịp trò chuyện với người dân bản địa, tìm hiểu về cuộc sống ẩn dật của các vị đạo sĩ trên đỉnh non thiêng và nghe những câu chuyện thú vị, hấp dẫn về một vùng đất đã làm nên Thất Sơn huyền bí.
Vồ Bồ Hong (hay điện Bồ Hong) là nơi cao nhất trên đỉnh núi Cấm và trong dãy Thất Sơn. Lên đỉnh Bồ Hong, du khách có thể bao quát và ngắm được toàn cảnh vùng núi Cấm tựa như một tấm lụa đa sắc màu. Tương truyền, trước đây có nhiều côn trùng gọi là bồ hong sinh sống nên mới gọi là Vồ Bồ Hong. Trên Vồ này có thờ tượng Ngọc Hoàng, hàng năm có rất đông người đến tham quan và chiêm bái.
Tuyệt vời nhất là khi đứng trên đỉnh núi từ trên cao, du khách sẽ được dịp nhìn thấy toàn cảnh những cánh đồng lúa mênh mông trải dài đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới Tây Nam.
Nằm tựa mình vào núi Cấm hùng vĩ, công viên nước Thanh Long không chỉ được thừa hưởng phong cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên, mà còn được trang bị với hệ thống thác nhân tạo cực “khủng”. Cùng các trò chơi mạo hiểm đầy thú vị bảo đảm sẽ làm mê đắm hàng loạt bạn trẻ, gia đình khắp nơi trên cả nước.
Đến núi Cấm du khách có dịp thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị Nam Bộ, những sản vật địa phương có tại nhà hàng Hương Núi như: bánh xèo rau rừng, bò xào lá giang, gà nấu măng rừng, thốt nốt, cua núi rang me, gà tre, thỏ, ve sữa…
Nếu bạn du lịch An Giang định nghỉ qua đêm tại núi Cấm mà chưa biết ở đâu thì có thể tham khảo những khách sạn sau đây.
Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/du-lich-nui-cam-an-giang-a47007.html