Tùy thuộc vào từng vị trí công việc và đặc điểm ngành nghề mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn những câu hỏi khác nhau. Tuy nhiên có khá nhiều câu hỏi phỏng vấn thường gặp sẽ được nhà tuyển dụng hỏi trong bất cứ buổi phỏng vấn nào.
Nội dung gồm: 1- Giới thiệu về bản thân 2- Nêu điểm mạnh điểm yếu 3- Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? 4- Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ? 5- Lý do bạn chọn công ty chúng tôi là gì? 6- Mức lương mong muốn? 7- Vì sao chúng tôi lại chọn bạn? 8- Bạn nghĩ mình sẽ gắn bó bao lâu với công ty chúng tôi? 9- Bạn mong muốn môi trường làm việc mới như thế nào? 10- Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không? Trong bài viết này Ms Uptalent sẽ gửi đến bạn đọc 10 câu hỏi phỏng vấn thường gặp trong mọi cuộc phỏng vấn đó. Các bạn hãy theo dõi để chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn của mình nhé!
Đây là câu hỏi đầu tiên bạn sẽ gặp trong mọi buổi phỏng vấn. Với câu hỏi phỏng vấn này bạn nên trả lời ngắn gọn, trung thực và khiêm tốn. Cố gắng làm nổi bật những thành tích bạn đạt được trong học tập và công việc. Đồng thời bạn cần đảm bảo những thông tin được nhắc đến có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Gợi ý câu trả lời: “Xin chào. Tôi là XXX, đã có 2 năm kinh nghiệm tại ví trưởng phòng Marketing. Trong quá trình làm việc tại công ty trước đó, tôi đã giúp công ty thực hiện thành công nhiều chiến dịch marketing lớn. Nhờ vậy mà lượng khách hàng tăng lên 50% và doanh thu tăng 20% so với quý trước đó. Với những kinh nghiệm chuyên môn tôi có và tinh thần năng động, thích khám phá, sáng tạo những cái mới, tôi tin mình hoàn toàn phù hợp với vị trí công ty đang tuyển.” Bạn xem thêm >>> Nhà tuyển dụng muốn nghe Ứng viên hỏi gì?
Ban đầu khi nghe đến câu hỏi này nhiều bạn sẽ nghĩ đây là một câu hỏi về tính cách. Thế nhưng sự thực không phải như vậy. Khi hỏi câu này thực chất nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn (đối với điểm mạnh) và năng lực tự nhận thức cũng như giải quyết vấn đề (đối với điểm yếu). Đây được xem là cơ hội để bạn “PR” bản thân thay vì nói miên man về sở thích, tính cách.
Về điểm mạnh bạn nên chọn những kỹ năng, kinh nghiệm cho thấy bạn là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí họ đang tuyển. Còn với điểm yếu bạn nên nói đến những gì không liên quan đến vị trí đang ứng tuyển hoặc sở đoản đó không làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Quan trọng hơn bạn cần đề cập đến biện pháp bạn đang thực hiện để khắc phục nhược điểm đó.
Ví dụ câu trả lời: “Tôi nghĩ điểm mạnh của mình chính là khả năng đưa ra các ý tưởng mới và khả năng thực hiện các ý tưởng đó. Chính vì vậy mà trong công việc trước đó, tôi đã đề xuất và thực hiện thành công ý tưởng tiếp thị mới để đạt được mức doanh thu tăng 200%. Bên cạnh điểm mạnh thì tôi cũng có điểm yếu là khả năng tiếng Anh thương mại còn hạn chế. Do đó, gần đây tôi đã tham gia khóa học về tiếng Anh thương mại để cải thiện.”
Quả thực không có đúng sai khi trả lời mục tiêu nghề nghiệp. Tất cả phụ thuộc vào tính cách, kỹ năng và mong muốn của bạn. Tuy nhiên câu trả lời tốt nhất đối với câu hỏi phỏng vấn dạng này là các mục tiêu của bạn cần tập trung vào công việc bạn đang ứng tuyển và mục tiêu này nên mang lại giá trị chung cho công ty.
Bạn nên bắt đầu từ mục tiêu ngắn hạn sau đó mới nói đến mục tiêu dài hạn. Hãy trình bày các bước để tiến dần tới mục tiêu đó để người tuyển dụng đánh giá được mức độ phù hợp giữa mục tiêu của bạn với công ty họ.
Đồng thời trong câu trả lời bạn nên tập trung vào thành tích sẽ đạt được thay vì những gì bạn nhận được (lương thưởng hoặc quyền lợi nào đó). Cố gắng tập trung vào các mục tiêu tổng quát, đừng quá cụ thể. Bởi vì điều này giúp bạn linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phù hợp với công ty và công việc đang ứng tuyển.
Ví dụ câu trả lời: “Hiện tại mục tiêu ngắn hạn của tôi là sử dụng và phát triển các kỹ năng tiếp thị và truyền thông trong công việc. Tuy nhiên trong dài hạn, tôi mong muốn được thăng tiến lên những vị trí cao hơn. Vì vậy, tôi luôn tham dự các khóa học hoặc các buổi hội thảo, hội nghị chuyên ngành để nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng. Điều này giúp tôi sẵn sàng đảm nhận các vị trí quản lý khi có cơ hội.” Xem đầy đủ hơn tại >>>> Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Gợi ý cách viết mục tiêu nghề nghiệp hay
Có rất nhiều lý do khiến bạn nghỉ việc. Đó có thể là không thích môi trường làm việc, không có cơ hội phát triển, công việc không phù hợp hoặc là vì một lý do cá nhân nào đó. Tuy nhiên, bất kể lý do đó là gì, bạn cũng nên trả lời một cách trung thực nhưng phải hướng tới điều tích cực và mục tiêu phát triển trong tương lai.
Đặc biệt khi trả lời câu hỏi phỏng vấn về lý do nghỉ việc, bạn cần tránh nói xấu hay than phiền về sếp, đồng nghiệp và công ty cũ. Ngoài ra bạn cũng đừng nói đến những vấn đề nhạy cảm như lương thấp, chính sách không tốt, hoặc sếp không tăng lương cho bạn.
Ví dụ câu trả lời: “Tôi nhận thấy công việc hiện tại quá đơn điệu. Tôi sẽ không học hỏi thêm được điều gì cho bản thân. Vì vậy tôi quyết định tìm một công việc có nhiều thử thách và cơ hội phát triển bản thân hơn.” Xem đẩy đủ cách trả lời tại >>>> Lý do bạn nghỉ công ty cũ là gì?
Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn tìm được ứng viên phù hợp và muốn làm việc tại công ty họ. Vì vậy trong câu trả lời của mình bạn cần thể hiện sự hiểu biết về công ty, sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh của họ. Bạn cũng nên chú ý đến văn hóa doanh nghiệp bởi nhiều nhà tuyển dụng rất tự hào về văn hóa của họ và họ đặc biệt coi trọng yếu tố phù hợp văn hóa của ứng viên.
Dưới đây là một số cách để bạn trả lời câu hỏi phỏng vấn này tốt nhất:
- Thể hiện sự phù hợp của công việc với định hướng nghề nghiệp của bạn.
- Chia sẻ niềm đam mê và sự yêu thích của bạn đối với công việc đang ứng tuyển.
- Thể hiện khao khát muốn được gia nhập đội ngũ nhân sự của công ty.
- Thể hiện sự phù hợp giữa giá trị bạn hướng đến và giá trị của công ty.
Ví dụ câu trả lời: “Tôi là một người yêu thích công nghệ, có sở thích chơi game và đam mê việc lập trình game. Vì vậy khi biết công ty đang tuyển lập trình viên, tôi đã nhanh chóng ứng tuyển. Tôi mong muốn được trở thành một thành viên trong đội ngũ lập trình của công ty.”
Mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi phỏng vấn này là muốn bạn tự đánh giá năng lực của bản thân. Đồng thời dựa trên câu trả lời của bạn họ sẽ đánh giá được tham vọng và mục tiêu sự nghiệp của bạn.
Cách trả lời thông minh là bạn hãy chuyển hướng câu hỏi để có thêm thời gian suy nghĩ, trước khi đưa ra mức lương mong muốn. Bạn có thể hỏi thêm về công việc hoặc đề nghị nhà tuyển dụng đưa ra mức lương và chế độ phúc lợi của công ty họ trước.
Còn một điểm khác bạn cũng cần chú ý là đừng nên đưa ra con số cụ thể. Thay vào đó hãy đưa ra mức lương nằm trong khoảng bao nhiêu.
Ví dụ câu trả lời: “Tôi mong muốn nhận được mức lương khoảng 10-12 triệu. Tôi nghĩ rằng đây là mức lương mà công ty có thể trả cho vị trí này. Đồng thời đây cũng là mức lương phù hợp với tôi, có thể giúp tôi an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công ty.”
Với câu hỏi phỏng vấn này nhà tuyển dụng muốn biết trình độ của bạn như thế nào, bạn có phải người phù hợp với yêu cầu công việc họ đang tuyển hay không.
Vì vậy đây là lúc bạn cần “giới thiệu” một cách thuyết phục và quả quyết những giá trị và lợi ích bạn có thể mang lại cho công ty họ. Bạn không nên nói về những gì mình muốn mà hãy trình bày những thành tích bạn đã đạt được. Đây chính là lý do thuyết phục nhất cho thấy sự phù hợp của bạn với yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ví dụ câu trả lời:
“Bởi vì tôi có những kiến thức và kinh nghiệm phù hợp với vị trí công ty đang tuyển. Với kỹ năng phục vụ khách hàng xuất sắc tôi có thể giải quyết những khó khăn của khách hàng theo cách tốt nhất.”
Hoặc là: “Bởi vì tôi có kinh nghiệm và thành thạo trong mảng làm việc với khách hàng, nên tôi có những điều kiện tốt nhất để đáp ứng được yêu cầu công việc của vị trí này.”
Mục đích chính của nhà tuyển dụng đối với câu hỏi phỏng vấn này là họ muốn biết bạn có thể làm việc ngay hay không và bạn có định làm việc lâu dài tại công ty họ hay không. Đồng thời họ cũng muốn tìm hiểu mục tiêu ngắn và dài hạn của bạn là gì để biết có nên tuyển dụng bạn hay không.
Cách trả lời tốt nhất là bạn không nên đưa ra con số cụ thể. Thay vào đó, hãy chia sẻ với họ những kế hoạch dài hạn bạn sẽ thực hiện tại công ty họ. Hãy nói với họ bạn thích những thử thách mà công việc này mang lại nên bạn mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty. Bạn cũng có thể nói rằng bạn không phải người thích “nhảy việc”. Nếu từng làm tại công ty nào 5-7 năm hãy chia sẻ với họ để nâng cao độ tin cậy cho câu trả lời của bạn.
Ví dụ câu trả lời: “Tôi nghĩ rằng khi đi làm ai cũng muốn được gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Bởi vì thời gian mỗi người ở tại văn phòng còn dài hơn thời gian họ ở nhà. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi luôn mong rằng nơi tôi làm việc sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của mình. Vì vậy tôi sẽ nỗ lực và đóng góp nhiều hơn để được hợp tác lâu dài với công ty.”
Nhiều nhà tuyển dụng nói rằng, đây là câu hỏi phỏng vấn tốt nhất để biết được ứng viên có phù hợp với văn hóa công ty và yêu cầu công việc hay không.
Để có câu trả lời hay nhất bạn nên tìm hiểu về nhà tuyển dụng trước buổi phỏng vấn. Làm như vậy không có nghĩa là bạn áp đặt những thông tin đó vào kỳ vọng của bản thân. Mà đây là cách giúp bạn đánh giá xem mình có phù hợp với văn hóa công ty hay không.
Bạn có thể tìm kiếm thông tin qua website của nhà tuyển dụng hoặc qua những người bạn quen biết. Nếu không tìm được, bạn có thể hỏi trực tiếp người phỏng vấn. Dựa trên những gì họ nói bạn hãy xác định mức độ phù hợp với văn hóa công ty và đưa ra câu trả lời thích hợp nhất.
Ví dụ câu trả lời: “Tôi thích môi trường có nhịp độ làm việc nhanh. Bên cạnh đó tôi cũng thích trải nghiệm những điều mới mẻ. Mỗi khi được trải nghiệm cái mới tôi đều học được những bài học quý giá. Với tôi môi trường làm việc là yếu tố giúp thúc đẩy việc phát triển các kỹ năng mới.”
Đây là câu hỏi phỏng vấn bạn rất thường gặp vào cuối buổi phỏng vấn. Khi người phỏng vấn hỏi bạn câu này bạn không nên trả lời “Tôi không có câu hỏi nào”.
Thay vào đó, hãy tận dụng cơ hội này để làm rõ những gì bạn còn thắc mắc. Bạn cũng không nên đặt những câu hỏi dạng chỉ cần trả lời “có” hoặc “không”, vì như vậy bạn sẽ không khai thác thêm được điều gì. Nếu những gì bạn cần hỏi đã được giải đáp trước đó thì hãy nói với người phỏng vấn rằng, bạn đã có câu trả cho những điều cần hỏi rồi, bạn không còn câu hỏi nào khác. Có thể bạn quan tâm >>>> 5 biểu hiện của một môi trường làm việc toxic
Sau đây là một số câu hỏi bạn nên hỏi người phỏng vấn:
- Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo sau buổi phỏng vấn này?
- Nếu được chọn thì khi nào tôi sẽ bắt đầu làm việc?
- Tôi có thể giữ liên lạc với ai để biết được thông tin sau phỏng vấn?
- Anh / chị có thể cho tôi biết thêm về những công việc chưa được nói đến trong bản mô tả công việc ở vị trí này không?
- Định hướng cụ thể của công ty cho vị trí công việc này là gì?
- Những kỹ năng nào là quan trọng nhất để làm tốt công việc ở vị trí này?
- Đâu là thử thách lớn nhất mà vị trí này phải đối mặt hàng ngày khi làm việc?
- Có bao nhiêu người làm việc ở bộ phận này?
- Người quản lý đánh giá về hiệu suất làm việc ở bộ phận này như thế nào?
- Các nhân viên thường sẽ nhận được phản hồi hoặc nhận xét công việc như thế nào và khi nào?
- Anh / chị có câu hỏi nào về tôi hoặc kỹ năng của tôi không?
- Anh / chị còn cần biết thêm thông tin gì từ tôi trước khi ra quyết định tuyển dụng hay không?
- Anh / chị có cảm thấy tôi đang thiếu trình độ hoặc kỹ năng quan trọng nào cho vị trí này hay không?
…
Trên đây là 10 câu hỏi phỏng vấn có trong mọi cuộc phỏng vấn và cách trả lời giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Bạn đọc có thể tham khảo thêm nhiều câu hỏi phỏng vấn cho các vị trí công việc khác nhau của Uptalent để có thể thuận lợi vượt qua vòng phỏng vấn và được làm những công việc bạn yêu thích.
-
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet
Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/nhung-cau-hoi-khi-di-phong-van-a42786.html