Những “sứ giả” trẻ đưa Việt phục ra thế giới

Hồi sinh cổ phục Việt

Đại Việt Cổ Phong có lẽ là nhóm về cổ phục đầu tiên được thành lập vào năm 2014. Nhóm gồm các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam, mong ước tái hiện chuẩn xác văn vật của nước Việt xưa qua tranh vẽ, mô hình, phim ảnh... để mọi người có thể hình dung, cảm nhận được cảm quan thẩm mỹ của người Việt xưa.

Đến nay, số lượng thành viên Đại Việt Cổ Phong đã lên tới hơn 151.000 người.

Những “sứ giả” trẻ đưa Việt phục ra thế giới - 1

Nhóm Đại Việt Cổ Phong đã “chạy” nhiều hoạt động, trong đó có những dự án về trang phục như: Dự án chiếc áo Giao Lĩnh thời Lê, dự án áo dài thời Nguyễn, dự án Việt Nam cổ phục... Gần đây, nhóm cho ra mắt Công ty TNHH Hoa Văn Đại Việt.

Cũng như nhóm bạn trẻ Đại Việt Cổ Phong, Nguyễn Đức Lộc là chàng trai thế hệ 9X nhưng lại có tình yêu đặc biệt với trang phục cổ, đã dành nhiều tâm sức để phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Những “sứ giả” trẻ đưa Việt phục ra thế giới - 2

Tháng 8/2018, Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên do Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự thành lập với tôn chỉ hoạt động là nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước, tư vấn về lĩnh vực văn hóa.

Các thành viên đã phối hợp làm việc với nhiều nghệ nhân của các làng nghề để sản xuất ra hài, quạt, gối xếp… từ bắc tới nam, tìm kiếm và sử dụng nguyên liệu của các làng nghề như: La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A... phục dựng thành công nhiều bộ cổ phục khác nhau như trang phục triều Nguyễn, triều Trần…

Với tôn chỉ tìm lại những nét văn hóa xưa đã bị mai một, Ỷ Vân Hiên không phỏng dựng một trang phục để mang vào bảo tàng hay trưng bày, trang phục đó sẽ được đưa đến với công chúng qua nhiều con đường khác nhau: Trên sân khấu, vào các MV, phim điện ảnh, các bộ ảnh chụp của giới trẻ, may cho lãnh sự quán một số nước...

Hàng loạt bộ phim, MV cổ trang đình đám như: “Phượng Khấu”, “Anh ơi ở lại”, “Không thể cùng nhau suốt kiếp” đều được Ỷ Vân Hiên đồng hành góp sức, là đơn vị chính đảm nhận vai trò nghiên cứu về chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật chế tác, phục dựng và thiết kế trang phục.

Những “sứ giả” trẻ đưa Việt phục ra thế giới - 3

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới Câu lạc bộ Đình làng Việt thành lập năm 2014, tới nay số thành viên của Câu lạc bộ Đình làng Việt lên tới 19.000 người, không chỉ sinh sống ở Việt Nam mà nhiều thành viên hiện sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Đức…

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Đình làng Việt tập trung vào 3 mảng chính: Nghiên cứu về kiến trúc điêu khắc đình làng; nghiên cứu văn hóa dân gian và âm nhạc dân gian; quảng bá và phát triển áo dài truyền thống.

Để bảo tồn áo dài, Đình làng Việt đã tạo ra các sự kiện văn hóa, vận động mọi người may và mặc áo dài. Nhóm đã vào làng may áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) để tìm các nghệ nhân may được áo dài đúng theo truyền thống và thuyết phục nghệ nhân Đỗ Minh Tám trở thành người đồng hành cùng Đình làng Việt.

Quảng bá văn hóa Việt ra thế giới

Là nữ du học sinh tại Hàn Quốc, Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1998, ở Bắc Ninh) đã tích cực quảng bá trang phục truyền thống Việt Nam bằng cách rất riêng. Tháng 11/2023, cô diện áo tấc (áo dài thời Nguyễn) đến ghi hình ở KBS - Đài truyền hình có tầm ảnh hưởng bậc nhất xứ kim chi.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, Thanh Tâm cho biết, năm 2019 cô đã mặc áo dài tham gia sự kiện của người nổi tiếng. Sau lần đó, Tâm nhận thấy không chỉ áo dài mà tất cả Việt phục đều có vẻ đẹp rất độc đáo và thu hút người nước ngoài.

Từ đó, Tâm nảy ra ý tưởng mặc Việt phục đến các buổi biểu diễn, fan meeting để quảng bá trang phục Việt với bạn bè quốc tế.

Những “sứ giả” trẻ đưa Việt phục ra thế giới - 4

“Việc mặc Việt phục đến concert khiến mọi người biết đến và tò mò về Việt Nam. Không chỉ người Việt mà bạn bè quốc tế cũng vô cùng ấn tượng, thích thú trước những bộ trang phục này, họ xin chụp ảnh cùng mình để lưu lại kỷ niệm. Nhiều người dành lời khen cho trang phục truyền thống của Việt Nam”, nữ sinh chia sẻ.

Trong hành trình mang cổ phục Việt đến với bạn bè quốc tế, tại sự kiện “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản năm 2023”, Công ty cổ phần Vạn Thiên Y đã mang đến xứ sở mặt trời mọc màn trình diễn áo dài Nhật bình.

Trong đêm diễn “Hương sắc Việt Nam”, Vạn Thiên Y đã khéo léo giới thiệu tới công chúng những bộ trang phục đặc trưng của triều Nguyễn như: Áo Nhật bình, áo lập lĩnh tay chẽn, áo tứ thân, áo the - khăn xếp, áo tấc... Đây là những bộ trang phục mang đậm dấu ấn của lịch sử Việt Nam.

Góp mặt trong “Ngày Việt Nam tại Pháp 2023”, Công ty cổ phần Vạn Thiên Y cũng đã mang đến những màn trình diễn áo dài ấn tượng với 20 bộ cổ phục triều Nguyễn. Trong đó, chiếc áo Nhật bình sắc đỏ được lấy ý tưởng từ hiện vật Nhật bình của hậu phi triều Nguyễn, đây là trang phục cầu kỳ bậc nhất trong bộ sưu tập.

Những “sứ giả” trẻ đưa Việt phục ra thế giới - 5

Trong quá trình đưa những sản phẩm văn hóa nghệ thuật “căng buồm ra biển lớn”, người Việt trẻ rất cần hệ sinh thái lý tưởng để người Việt tìm ra thế giới.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, sau hơn 10 năm tổ chức, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài”, hoạt động văn hóa đối ngoại quan trọng của đất nước đã đến được với 18 nước, nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài.

Đây được xem là sự kiện kết nối lý tưởng giữa những người trẻ đam mê với văn hóa truyền thống và công chúng quốc tế.

Châu Anh

Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/trang-phuc-thoi-xua-cua-viet-nam-a31529.html