Trẻ bị quai bị kiêng gì? Kiêng trong bao lâu

Quai bị ở trẻ em là một bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khi không được chăm sóc đúng cách. Vậy trẻ bị quai bị kiêng gì? Kiêng trong bao lâu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Trẻ bị quai bị kiêng gì

Quai bị ở trẻ em là bệnh gì?

Bệnh quai bị (Mumps) gây ra bởi sự xâm nhập của virus quai bị (Mumps virus), đặc trưng bởi tình trạng sưng, đau tuyến nước bọt mang tai. Tại Việt Nam, bệnh có thể xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa Thu - Đông, ở những vùng đông dân, các tỉnh miền Bắc và khu vực Tây Nguyên. Quai bị lây lan chủ yếu qua qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ miệng, mũi, và họng khi người bệnh ho, hắt hơi, xì mũi hoặc giao tiếp. Ngoài ra, virus quai bị có thể sống khá lâu ở môi trường bên ngoài nên bệnh vẫn có thể lây lan khi tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng có virus. (1)

Sau khoảng 14-20 ngày kể từ khi nhiễm virus quai bị, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng quai bị ở trẻ như khó chịu, mệt mỏi, sốt, đau họng, sưng góc hàm, biếng ăn,…Tiếp đó, tuyến mang tai bắt đầu sưng to dần, không đỏ, không bị lõm khi ấn vào (thường tuyến mang tai sẽ sưng to ở cả 2 bên nhưng không đều). Tình trạng sưng to này khiến mặt trẻ bị biến dạng, phình to ra, cằm xệ xuống. Các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất khi trẻ được chăm sóc và hỗ trợ điều trị đúng cách.

Đa số các trường hợp mắc bệnh quai bị diễn ra ở mức độ nhẹ và không gây ra biến chứng nghiêm trọng. Bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 2 tuổi trở lên và thanh thiếu niên, phổ biến ở lứa tuổi 10-19. Nguy cơ mắc quai bị tăng dần theo độ tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới. Một số trường hợp bệnh quai bị không có biểu hiện rõ ràng, do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào hoặc nghi ngờ trẻ mắc bệnh quai bị, phu huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.

Thông thường, bệnh quai bị chỉ xảy ra duy nhất một lần trong đời, hiếm khi tái nhiễm bệnh bởi khi mắc bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus quai bị suốt đời. Tuy nhiên, trẻ vẫn nên được tiêm đầy đủ các mũi vacxin ngừa bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị đúng cách.

Trẻ nên được tiêm vaccine đầy đủ
Trẻ nên được tiêm vaccine đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trẻ bị quai bị kiêng gì?

Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, để giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và rút ngắn thời gian bệnh, phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách. Dưới đây là một số vấn đề nên được lưu ý, kiêng cử khi trẻ bị quai bị:

1. Kiêng gió, nước lạnh

Trẻ bị quai bị không nên ra gió và tiếp xúc quá nhiều với nước lạnh. Thay vào đó, mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng khí, tránh gió cho đến khi bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, các vết sưng đã giảm hẳn.

2. Kiêng thực phẩm chứa axit

Những loại thực phẩm giàu axit như cóc, dưa chua, me, chanh,… có thể làm tăng hoạt động của tuyến nước bọt và làm tình trạng viêm trở nặng hơn. Điều này có thể làm cho tuyến mang tai sưng to hơn, trẻ cảm thấy khó chịu và kéo dài thời gian phục hồi. Do đó, mẹ nên tránh cho trẻ ăn những thực phẩm có chứa axit khi trẻ đang mắc bệnh quai bị.

3. Hạn chế vận động

Trẻ bị quai bị nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tránh các hoạt động vận động. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những trẻ có triệu chứng viêm đau ở tinh hoàn.

4. Không tự ý sử dụng thuốc hay đắp thuốc lên vùng bị sưng

Thay vì đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị quai bị cho trẻ đúng cách, nhiều phụ huynh tự ý dùng thuốc hoặc áp dụng các mẹo chữa quai bị, đắp thuốc lên vùng bị sưng. Tuy nhiên, điều này không chỉ không có tác dụng cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ mà còn có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, khi trẻ có triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị quai bị, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.

5. Trẻ bị quai bị có cần kiêng tắm không?

Trẻ bị quai bị vẫn nên được tắm rửa, đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, do đó, bố mẹ không nên kiêng tắm cho bé. Lưu ý, trẻ chỉ nên tắm nhanh trong phòng kín gió, bằng nước ấm. Nếu trẻ quá mệt, bố mẹ có thể dùng khăn mềm thấm nước ấm lau người cho trẻ.

Trẻ bị quai bị cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Trẻ bị quai bị cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

6. Trẻ bị quai bị có cần kiêng quạt không?

Tuy trẻ bị quai bị được khuyến cáo kiêng gió nhưng trẻ vẫn có thể nằm quạt bình thường. Điều này khiến nhiều bố mẹ khó hiểu nhưng để hiểu một cách khoa học, kiêng gió là ngăn chặn sự phát tan virus quai bị ra ngoài cộng đồng. Vì vậy, khi trẻ mắc quai bị, bố mẹ vẫn có thể cho trẻ nằm gần quạt nhưng không để quạt thổi trực tiếp vào trẻ và cần điều chỉnh tốc độ quạt ở mức vừa phải.

7. Kiêng thịt gà

Thịt gà tuy không khiến tình trạng quai bị trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng nó có thể gây cảm giác đầy bụng và khó tiêu cho trẻ. Do đó, bố mẹ nên tránh cho trẻ ăn thịt gà khi bị quai bị.

8. Kiêng nếp

Nếp cũng như các món ăn được chế biến từ nếp như xôi, bánh chưng, bánh trôi,… có thể khiến chỗ sưng trở nên nghiêm trọng hơn, sưng to và đau nhức, kéo dài thời gian điều trị. Vì vậy, bố mẹ cũng nên kiêng nếp cho trẻ khi bị quai bị.

Bệnh quai bị ở trẻ kiêng trong bao lâu?

Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, trẻ bị quai bị nên kiêng các vấn đề trên trong khoảng 7-10 ngày kể từ khi phát hiện trẻ mắc bệnh. Việc kiêng cữ đúng cách sẽ giúp bệnh dễ kiểm soát, rút ngắn thời gian điều trị và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Phương pháp chăm sóc trẻ bị quai bị hiệu quả

Bệnh quai bị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm tủy, viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới,… Do đó, bên cạnh những điều cần kiêng cữ, khi chăm sóc trẻ bị quai bị, phụ huynh nên nắm rõ các lưu ý dưới đây:

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Trên đây là những thông tin hữu ích về vấn đề “Trẻ bị quai bị kiêng gì?”. Hy vọng với những thông tin này, phụ huynh sẽ nắm được cách chăm sóc trẻ bị quai bị đúng cách và hiệu quả hơn.

Link nội dung: https://trungtamgiasuhanoi.edu.vn/quai-bi-kieng-gi-a30560.html