Từ xưa, lì xì đã được xem như tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán ở nhiều quốc gia, nhất là các nước Á Châu và Việt Nam. Khi ấy, người lớn tuổi hơn sẽ đặt tiền vào chiếc phong bì được trang trí sắc vàng son rực rỡ và mừng tuổi cho trẻ em.
Do mỗi quốc gia sẽ có những đặc trưng riêng biệt nên việc lì xì cũng vì thế mà có sự khác nhau. Vậy ý nghĩa bao lì xì ở các nước có gì đặc biệt?
Phong tục lì xì ở Việt Nam
Thời xưa, việc lì xì ở nước ta chủ yếu là đặt những đồng tiền xu vào phong bao giấy màu đỏ, hồng hoặc trang trí vàng son rực rỡ. Hiện nay, tiền xu thì không còn nhiều nữa nên thay vào đó là tiền giấy. Đặc biệt, tiền trong phong bao luôn là tiền lẻ nhằm ngụ ý tiền này sẽ “sinh sôi nảy nở” ngày càng nhiều hơn.
Thông thường, người lớn tuổi hơn sẽ lì xì cho trẻ em vào ngày Tết và trẻ cũng vui vẻ, tươi cười để xua đuổi điều xấu. Giờ đây, phong tục lì xì ở nước ta còn mở rộng theo hướng con cái lì xì mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Quả thật là một điều nhân văn và đáng để phát huy đúng không nè?
Ngoài ra, khi trao nhau lì xì, mọi người thường kèm các lời chúc như: Vạn sự như ý, An khang thịnh phượng, Phát tài phát lộc,... với nguyện ước sẽ có một năm mới vạn sự hanh thông, suôn sẻ.
Ngày nay, việc mừng tuổi đã không còn giới hạn trong ngày mùng một hay ba ngày đầu năm nữa, mà chỉ cần còn không khí Tết thì vẫn có thể lì xì con cháu của mình.
Ngoài ra tục lì xì cũng không còn giới hạn chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nữa. Chỉ cần là người đã đi làm, có thú nhập là có thể mừng tuổi những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà rồi.
Không chỉ người thân trong gia đình, tục lì xì đã mở rộng khi bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm chúc Tết cũng có thể lì xì lẫn nhau.
Phong tục lì xì ở Trung Quốc
“Hongbao” là tên gọi của phong tục lì xì ở Trung Quốc. Do đó, bao lì xì của họ luôn là màu đỏ, tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc. Đặc biệt, số tiền trong bao tuyệt đối tránh liên quan đến số 4 (không được coi may mắn) và phải dán kín.
Ngoài ra, khi nhận lì xì, người Trung Hoa có thói quen không nhận bằng một tay và không mở ra ngay trước mặt người tặng. Họ phải để tất cả lì xì dưới gối và sau 1 tuần mới được mở ra hoặc mang theo xuyên suốt 16 ngày đầu năm mới.
Điều này hàm ý rằng bao lì xì sẽ bảo vệ mọi người tránh khỏi các điều xấu có thể xảy ra.
Không những thế, người dân nơi đây còn có tục lệ mang theo một túi cam quýt cùng các bao lì xì khi ghé thăm nhà người thân, bạn bè,... trong hai tuần đầu năm mới.
Bởi cam quýt có cách phát âm giống với từ “giàu có” và “may mắn” trong tiếng Trung.
Nhật Bản, lì xì được gọi là Otoshidama
Ở Nhật Bản, lì xì được gọi là Otoshidama. Khác với các nước, số tiền lì xì của người Nhật lại phụ thuộc vào độ tuổi của đứa trẻ, mối quan hệ của gia đình. Phong bao lì xì Otoshidama thường có màu trắng chứ không phải phổ biến màu đỏ như những nước khác.
Điều đặc biệt của tục lì xì ở Nhật Bản là phong bao luôn được dán kín tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì. Hơn thế, tên của người nhận lì xì sẽ được ghi trên bao lì xì để thể hiện sự tôn trọng với người được nhận.
Thông điệp của mỗi phong bao lì xì là lời chúc một năm mới ấm áp, an lành và gặp nhiều may mắn.
Lì xì ở Hàn Quốc được gọi là Sabae
Vào ngày đầu năm mới, những đứa trẻ trong gia đình với trang phục truyền thống thực hiện nghi lễ cúi lạy các bậc tiền bối nhằm tỏ lòng biết ơn sinh thành, dưỡng dục.
Sau nghi lễ này các đứa trẻ sẽ được nhận lì xì kèm với lời chúc mạnh khỏe và bình an trong năm mới.
Lì xì ở Hàn Quốc đa dạng hơn các nước khác, không chỉ có tiền mà có khi còn là túi quà xinh xắn, là vàng, ngọc, đá quý…
Bên cạnh đó, người lớn còn chuẩn bị thêm snack ngon và nước ngọt để đãi các bé khi đến chơi nhà. Còn người lớn thì sẽ trao nhau những món quà đặc trưng Hàn Quốc như các loại sâm quý hiếm.
Phong tục lì xì ở Malaysia
Người Malaysia theo đạo Hồi (thường sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore) cũng có tục lì xì mừng tuổi cho người già và trẻ em trong ngày lễ tết Eid al - Fitr (Tết Hiến sinh của người đạo hồi thường diễn ra vào ngày 11/8 hàng năm).
Vào dịp này, họ sẽ chuẩn bị các phong bao màu xanh lá cây - màu truyền thống gắn liền với tín ngưỡng của các nước Hồi giáo để tặng cho bất kỳ người khách nào đến chúc mừng đấy.
Phong tục lì xì ở Singapore
Ở Singapore, nhất là người Hoa sống tại đây thường rất coi trọng ngày Tết Nguyên đán. Vì thế, họ cũng chú trọng việc tặng lì xì cho ông bà, cha mẹ, con cháu hoặc người thân trong nhà.
Phong bao thường sẽ có màu đỏ rực rỡ đựng những đồng tiền mới có mệnh giá từ 2 đến 20 đô Singapore nhằm tượng trưng may mắn trong ngày năm mới.
Ngoài tiền mặt, người dân ở đây còn lì xì bằng ngân phiếu, ngân lượng, voucher, vé xe tháng,... hoặc dùng bữa ăn sum họp đủ đầy mọi thành viên trong gia đình.