Dầu lạc là một loại dầu thực vật được sử dụng phổ biến trong nấu ăn, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Vậy lợi ích của dầu lạc đối với sức khỏe là gì? Cần lưu ý gì khi sử dụng và bảo quản? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm hiểu ngay dưới đây!
Các thành phần dinh dưỡng có trong dầu lạc
Dầu lạc (Peanut oil) hay còn gọi là dầu động phộng, được ép từ hạt lạc (hạt đậu phộng). Trong dầu lạc có chứa 17% chất béo bão hòa (SFA), 32% chất béo không bão hòa đa (PUFA), 46% chất béo không bão hòa đơn (MUFA) và nhiều loại vitamin như vitamin E, vitamin K,...
Các chất béo không bão hòa đơn có trong dầu lạc là acid oleic (acid béo omega 9), acid linoleic (omega 6) và một lượng nhỏ acid palmitic.
Các loại dầu lạc phổ biến
Trên thực tế, dựa vào công nghệ chế biến mà có rất nhiều loại dầu lạc khác nhau:
- Dầu lạc tinh chế: Dầu được tinh chế, khử mùi, loại bỏ các chất dư thừa, các chất có khả năng gây dị ứng. Loại tinh dầu này rất thích hợp với những người có cơ địa dị ứng hoặc dị ứng với một số thành phần có trong dầu lạc.
- Dầu lạc ép lạnh: Được sản xuất bằng cách nghiền nát lạc rồi ép mạnh để lấy dầu. Phương pháp này giúp giữ nguyên bản chất và hương vị của dầu lạc.
- Dầu lạc được sản xuất từ lạc rang sơ: Lạc được rang sơ cho thơm trước khi ép lấy dầu. Điều này giúp dầu có mùi thơm hơn mà chất dinh dưỡng trong dầu vẫn được giữ nguyên.
- Dầu hỗn hợp: Được sản xuất bằng cách trộn lạc với nhiều loại hạt khác nhau để ép lấy dầu, giúp tăng hương vị và chất dinh dưỡng.
Tác dụng của dầu lạc đối với sức khỏe
Dầu lạc thường được lựa chọn trong nấu ăn bởi nhiều lợi ích đối với sức khỏe của nó.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Theo đánh giá của Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ, việc thay thế hoặc giảm lượng chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch đến 30%.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng các loại chất béo không bão hòa có trong dầu lạc có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, vitamin E có trong dầu lạc có tác dụng chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do - tác nhân có hại đối với tim mạch. Từ đó, giúp hỗ trợ bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Ngăn ngừa ung thư
Các hợp chất polyphenol trong dầu lạc như phytosterol, beta-sitosterol có tác dụng chống lại các gốc tự do, giúp ngăn ngừa một số loại ung thư như: Ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư ruột kết,...
Giảm nồng độ cholesterol
Cholesterol là chất béo có hại đối với sức khỏe của chúng ta. Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và béo phì.
Dầu lạc không chứa cholesterol mà thay vào đó là các chất béo không bão hòa tốt cho tim mạch. Do đó, việc sử dụng dầu lạc thay các loại mỡ động vật trong nấu ăn sẽ giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.
Hỗ trợ giảm đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi nồng độ glucose máu tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường có thể do các tế bào beta đảo tụy bị tổn thương dẫn đến giảm tiết insulin (hormone giúp hạ đường huyết) hoặc do giảm nhạy cảm với insulin (tiểu đường tuýp 2).
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất béo không bão hòa có trong dầu lạc có thể làm tăng độ nhạy cảm insulin ở các bệnh nhân bị đái tháo đường. Vì lý do đó, dầu lạc có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh đường huyết ở các bệnh nhân tiểu đường.
Chống oxy hóa, làm giảm quá trình lão hóa
Theo khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia (NIH), nhu cầu vitamin E của một người trưởng thành là 15mg, với phụ nữ có thai là 19mg. Vitamin E là một chất chống oxy hóa hiệu quả, mà dầu lạc lại rất giàu vitamin E. Chính vì thế, đây là nguồn thực phẩm ngăn ngừa lão hóa hiệu quả.
Nhược điểm của dầu lạc
Mặc dù trong dầu lạc có nhiều lợi ích với sức khỏe, tuy nhiên omega 6 có trong dầu lạc lại có xu hướng thúc đẩy phản ứng viêm, trái ngược với omega 3 - chất béo có tác dụng chống viêm.
Các nhà dinh dưỡng học đã khuyến cáo rằng chỉ cần duy trì tỷ lệ omega 3 và omega 6 phù hợp, sức khỏe sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, khi cân bằng này bị phá vỡ, nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm có thể tăng lên, nhất là với những người đang bị viêm.
Một số lưu ý khi sử dụng dầu lạc
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng và bảo quản dầu lạc mà bạn cần lưu ý:
- Không sử dụng dầu lạc chiên đi chiên lại nhiều lần: Việc sử dụng dầu đã chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ làm giảm hàm lượng các vitamin có trong dầu lạc. Không chỉ thế, việc dầu bị chiên đi chiên lại nhiều lần ở nhiệt độ cao có thể khiến các chất béo bị đốt cháy sinh ra các chất gây ung thư.
- Sử dụng lượng vừa đủ: Dầu lạc đậm đặc hơn so với các loại dầu thông thường. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng với lượng vừa đủ.
- Dầu lạc dễ bị oxy hóa: Dầu lạc chứa nhiều chất béo không bão hòa nên rất dễ bị oxy hóa. Do đó, bạn nên bảo quản dầu lạc ở nơi tránh ánh nắng trực tiếp và nên nhớ đậy nắp sau khi sử dụng.
- Những người có cơ địa dị ứng: Mặc dù dầu lạc rất tốt cho sức khỏe nhưng những người dị ứng với các thành phần có trong dầu lạc thì không nên sử dụng.
- Khử mùi cho dầu lạc: Nếu bạn không thích mùi của dầu lạc, bạn có thể khử mùi bằng cách cho dầu vào chảo, đun nhỏ lửa, sau đó cho thêm hành, tỏi vào phi. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn loại dầu lạc đã được tinh chế, khử mùi.
Tóm lại, dầu lạc có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Sử dụng dầu lạc có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, làm chậm quá trình lão hóa, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu,... Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng với lượng vừa đủ và hợp lý. Nên lựa chọn kỹ loại dầu lạc nếu bạn dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong dầu.
Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp ở trên sẽ giúp ích cho bạn.
Xem thêm:
- Tinh dầu hồi là gì? Công dụng của tinh dầu hồi
- Dầu Krill là gì? Tác dụng của dầu Krill đối với sức khỏe