Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh trĩ là hiện tượng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn. Chúng có thể gây ngứa, chảy máu và đau.
Bệnh trĩ rất phổ biến, thường gặp ở người có chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Bệnh lý được hình thành khi xảy ra hiện tượng căng giãn quá mức và sưng các tĩnh mạch ở phần thấp nhất của trực tràng và hậu môn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Trong một số trường hợp, bạn có thể nhìn hoặc sờ thấy búi trĩ xung quanh bên ngoài trực tràng (trĩ ngoại). Trong các trường hợp khác, bạn không thể nhìn thấy vì chúng ẩn bên trong trực tràng (trĩ nội).
Trĩ nội là gì?
Trĩ nội là các búi trĩ xuất hiện bên trên bề mặt lớp niêm mạc trong lòng ống hậu môn trực tràng và rất khó để nhìn hay sờ thấy chúng. Ở vị trí này, có ít dây thần kinh cảm giác, vì vậy đa số người bệnh không có cảm giác đau mà chỉ có các triệu chứng sau:
- Xuất hiện máu khi đi đại tiện, đây là một trong những triệu chứng dễ nhận biết ở trĩ nội.
- Tình trạng mô phồng sa ra ngoài hậu môn dẫn đến đau khi đi vệ sinh và người bệnh có thể nhận thấy được. Các búi trĩ này có thể di chuyển và quay trở lại bên trong khi có hoặc không có sự tác động của người bệnh.
Trĩ ngoại là gì?
Trĩ ngoại khác với trĩ nội ở chỗ được hình thành ở các lớp niêm mạc biểu mô lát tầng và lòi ra bên ngoài hậu môn. Ngược lại với trĩ nội, người bệnh có cảm giác đau nhiều hơn do có nhiều dây thần kinh cảm giác và ngoài ra, trĩ ngoại còn xuất hiện các triệu chứng sau:
- Chảy máu.
- Ngứa, sưng tấy.
Trĩ huyết khối là hiện tượng mà cục máu đông có thể chuyển sang màu tím hoặc xanh bên ngoài của búi trĩ. Để nhận biết trĩ huyết khối cần quan sát các triệu chứng như người bệnh đau dữ dội, chảy máu và ngứa.
Bệnh trĩ hiếm khi nguy hiểm. Nếu các triệu chứng không biến mất trong một tuần hoặc nếu xuất hiện các triệu chứng rõ rệt, người bệnh hãy đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám tránh bệnh diễn biến nặng hơn.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ
Theo ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, trĩ có thể xảy ra do rất nhiều yếu tố, hay gặp nhất đó là:
- Chế độ ăn uống thiếu chất xơ: Do ăn nhiều các loại thịt, ít ăn rau, hoa quả dẫn đến cơ thể thiếu chất xơ và các vitamin cần thiết cho hệ tiêu hóa dẫn đến hiện tượng trĩ.
- Mang thai: Khi mang thai, trọng lượng thai nhi ngày càng tăng nên các tĩnh mạch trĩ bị dồn ép dẫn đến nguy cơ bị bệnh trĩ rất cao.
- Tuổi tác: Khi tuổi tác ngày càng cao, tầm 30-60 tuổi nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn do các cơ ở vùng hậu môn bị thoái hóa, co thắt.
- Stress kéo dài: Nếu bạn thường xuyên stress, lo lắng, mệt mỏi thì đây cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh trĩ phát triển.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Đặc biệt, người mắc bệnh u đại trực tràng, u ở tử cung sẽ làm cản trở hồi lưu máu trở về tim gây giãn tĩnh mạch dẫn đến bệnh trĩ. Như vậy, trĩ chỉ là hệ quả của các bệnh lý ác tính mà thôi.
Chính vì sự phổ biến của bệnh, cũng như quan điểm "bị trĩ là bình thường" nên khi các triệu chứng xuất hiện nhiều người không quan tâm.
"Nhưng đáng buồn là, triệu chứng của bệnh trĩ cũng rất giống triệu chứng của ung thư đại trực tràng. Trĩ không gây chết người nhưng ung thư đại trực tràng lại là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến tính mạng", BS Nam nhấn mạnh.