Sôi bụng về đêm là hiện tượng phổ biến xuất hiện ở nhiều người, do nhiều nguyên do khác nhau gây ra. Trước khi tìm đáp án cho thắc mắc sôi bụng về đêm có nguy hiểm không, chúng ta hãy tìm hiểu về hiện tượng sôi bụng cũng như những nguyên nhân gây ra nó.
Sôi bụng là tình trạng gì?
Sôi bụng là âm thanh phát ra từ ruột, đó quá trình co bóp và tiêu hoá thức ăn tạo nên. Quá trình có bóp này giữ nhiệm vụ đẩy thức ăn và khí trong ống tiêu hoá. Qua đó tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng và loại bỏ các chất không cần thiết cho cơ thể.
Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng sôi bụng về đêm?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sôi bụng, bao gồm cả bệnh lý và sinh lý. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến, bạn có thể tham khảo để nắm bắt được nguyên nhân qua đó có được biện pháp khắc phục hiện tượng sôi bụng ở bản thân hoặc người thân nhé!
Nguyên nhân sinh lý
Nguyên nhân đầu tiên do bạn đã sử dụng quá nhiều thực phẩm nhiều đường, thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc các loại ngũ cốc nguyên hạt,… Từ đó gây áp lực lên dạ dày, kích thích sinh hơi trong đường tiêu hoá và dẫn tới tình trạng sôi bụng.
Nguyên nhân thứ hai của hiện tượng sôi bụng do thói quen ăn uống thiếu lành mạnh. Một số người có thói quen ăn quá nhanh, vừa ăn vừa nói khiến không khí đi vào và tích tụ trong dạ dày dẫn tới sôi bụng.
Thường xuyên sử dụng rượu bia, nước có gas cũng kích thích sinh hơi trong hệ tiêu hoá. Ngoài ra đây một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hoá.
Bên cạnh đó, việc áp dụng chế độ giảm cân thiếu khoa học hay những áp lực trong cuộc sống và công việc đè nặng cũng làm gia tăng tình trạng sôi bụng.
Nguyên nhân bệnh lý
Theo các chuyên gia về tiêu hoá, hiện tượng sôi bụng kèm theo một số các triệu chứng khác lại có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đã mắc phải một số các bệnh về tiêu hoá như:
- Hội chứng ruột kích thích: Khi bạn thấy cơ thể xuất hiện hiện tượng sôi bụng đi kèm theo đau bụng âm ỉ dọc khung đại tràng, đại tiện phân lỏng hoặc phân sống, ngủ không sâu giấc, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân không nguyên nhân,… thì rất có thể bạn đã bị hội chứng ruột kích thích. Lúc này, bạn nên tới các cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đưa ra chẩn đoán sớm nhất.
- Rối loạn tiêu hoá: Bệnh lý này thường xuất phát từ dị ứng thức ăn, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, loạn khuẩn đường ruột,… do sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh hoặc nhiễm ký sinh trùng. Những dấu hiệu nhận biết phổ biến của rối loạn tiêu hoá là sôi bụng, đầy hơi, chán ăn, đắng miệng,…
- Bệnh lý dạ dày: Bụng sôi liên tục cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị bệnh về dạ dày. Để xác định chính xác xem mình có mắc bệnh hay không, bạn hãy theo dõi cơ thể nếu sôi bụng đi kèm một vài triệu chứng như đau thượng vị, khi đói thì tiếng kêu ở bụng to hơn, đi ngoài phân đen, nôn ra máu,…
Ngoài những nguyên nhân ở trên, tình trạng sôi bụng về đêm cũng có thể xuất hiện do mặc quần quá chặt hoặc dùng thắt lưng quá chật, hoặc bạn mắc phải các bệnh lý về gan mật, bệnh nội tiết,…
Sôi bụng về đêm có nguy hiểm không?
Câu trả lời là tuỳ vào từng nguyên nhân gây ra tình trạng sôi bụng về đêm.
Trường hợp sôi bụng về đêm do các nguyên nhân lành tính như thói quen ăn uống - sinh hoạt thì hoàn toàn không gây nguy hiểm gì tới sức khoẻ. Nhưng với những trường hợp sôi bụng về đêm là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về tiêu hoá thì bạn cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa Tiêu hoá để thăm khám, kiểm tra, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị thích hợp.
Hướng dẫn mẹo chữa sôi bụng về đêm tại nhà
Để hạn chế tình trạng sôi bụng, Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn bạn một số mẹo chữa sôi bụng tại nhà để bạn có thể tham khảo và tự thực hiện.
Với những tình trạng sôi bụng có nguyên nhân sinh lý, bạn hoàn toàn có thể áp dụng một vài bài thuốc dân gian để xử lý tình trạng này. Những phương pháp này đều dễ làm, đơn giản và tiết kiệm chi phí.
- Sử dụng củ riềng: Củ riềng có vị ấm, có tác dụng tăng cường chức năng tỳ vị, hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu hoá, nhất là viêm đại tràng. Để xử lý tình trạng sôi bụng, bạn hãy cạo sạch củ riềng rồi xay thành bột. Trộn bột riềng với mật ong và sử dụng 3 lần/ngày sau bữa ăn.
- Sử dụng gừng tươi: Củ gừng vốn được biết đến là một “loại thuốc” với nhiều công dụng cho sức khoẻ như chữa cảm lạnh, kích thích tiêu hoá, tăng cường tuần hoàn. Bạn có thể dùng vài lát gừng tươi pha với nước ấm hoặc thêm mật ong, nước cốt chanh dùng vào buổi sáng để giúp chống sôi bụng, khó tiêu, hỗ trợ hệ tiêu hoá.
- Chữa sôi bụng bằng lá mơ: Trong lá mơ có chứa nhiều các vitamin và khoáng chất có khả năng giảm triệu chứng co thắt dạ dày, tá tràng như vitamin C, beta-carotene, protein.
- Dùng nước gạo rang: Sử dụng nước gạo rang 2 lần mỗi ngày sau bữa ăn cũng giúp cải thiện hệ tiêu hoá, hỗ trợ điều trị sôi bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
Với những người bị sôi bụng do nguyên nhân bệnh lý cần tới các cơ sở y tế thăm khám để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh tình, cũng như có được lộ trình điều trị phù hợp. Người bệnh cần lưu ý tuyệt đối không tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc tự điều trị tại nhà, rất dễ “tiền mất tật mang”.
Bên cạnh cách chữa sôi bụng theo dân gian hoặc thuốc Tây y, bạn có thể khắc phục tình trạng sôi bụng bằng phương pháp y học cổ truyền. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ cũng như sử dụng đúng thuốc để có hiệu quả, bạn nên tới thăm khám tại các cơ sở uy tín, không tự ý mua lá hay thuốc Bắc bán trên thị trường về uống.
Trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp thắc mắc sôi bụng về đêm có nguy hiểm không cũng như hướng dẫn một số cách chữa sôi bụng về đêm. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích với mọi người.
Tú Anh
Nguồn tham khảo: vinmec.com, medlatec.com