Lược sử
Long Ấn Cổ Tư nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai thuộc khu phố 3, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Chùa cách trung tâm thành phố Biên Hòa 4km về hướng nam.
Theo tài liệu lưu tại văn phòngGiáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai cùng các kỳ lão trong làng thì chùa Long Ân được xây dựng vào năm 1613 do vị Thiền sư Thượng Phước Hạ Hỷ phái Tào Động Chánh Tông khai sáng.
Ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ được dựng lên cầu cho quốc thái dân an tọa lạc tại chân núi Bửu Long thuộc làng Tân Lại, huyện Phước Chảnh. Qua thời gian, chùa xuống cấp, nhân dân trong làng chung sức dựng lại ngôi chùa mới để dìu dắt những người có tâm tu học được phúc liễu thân tâm, trau dồi đạo hạnh nhằm duy trì nền đạo pháp được vinh cứu diễn trường.
Sau này, hai dòng tộc Huỳnh và Phạm (gốc tại xã Tân Thành) phát tâm hỷ cúng khoảng 5.000m đất tại ấp Tân Lại, nay là phường Bửu Long. Địa thế khu đất đẹp phong thủy thuận, các kỳ lão thống nhất dời ngôi chùa về vị trí mới. Chùa nằm cạnh sông Đồng Nai được xem như đầu con rồng lửa vươn mình chầu về núi Bửu Long. Năm Nhâm Thìn (1952) chùa bị đại hồng thủy xâm hại, cảnh chùa tan hoang. Đến ngày 13-6-1960 (19 tháng 2 năm Canh Tý) giáo thọ trụ trì Thích Thiện Hảo đứng ra kêu gọi ba tảnh cùng bổn đạo Phật tử trùng tu lại ngôi Tam bảo trên nền chùa cũ.
Kiến trúc
Chùa Long An quay mặt về hướng nam nhìn ra sông Đồng Nai thấp thoáng dưới bóng cây cổ thụ, được bố trí dạng chữ Tam (=).
Chánh điện diện tích 224m2 (16mx14m) là dạng nhà bánh ít (kiểu kiến trúc thường gặp ở các đình, chùa Nam bộ), cột kèo xi măng, tường xây bao bọc. Mái chùa được lợp ngói vẩy cá, trên đỉnh nóc trang trí “Lưỡng long tranh châu” bằng gốm. Các đầu đạo trang trí các hình tượng sứ chầu về bốn phương Phật. Long Ấn Cổ Tự có điểm khác biệt các ngôi chùa khác là mặt tiền chùa chỉ thiết kế hai cửa tả hữu để vào ngôi Tam bảo, khoảng giữa được xây bịt lại bên trong là bàn thờ Tiêu Diện - Hộ Pháp. Ngôi Tam bảo được xây cao, phân cấp: trên cùng là tượng Phật Di Đà, tăng Trung thờ Phật Thích Ca, tầng giữa là chín tượng Minh Vương, tầng dưới cùng là tượng Thích Ca, Quan Âm, Thế Chí và Ngũ sám bài bằng gỗ. Hành lang trước, sau, đông, tây nối chánh điện và nhà giảng, nhà Tổ được tạo dựng thông thoáng.
Nhà giảng là nhà ngang hai mái, cột gạch kèo gỗ, tường xây, nền xi măng, ngói vẩy cá; gồm ba gian với diện tích 77m2 (5,5mx14m). Nhà Tổ diện tích 140m2 (10mx14m) các hạng mục cột, kèo, xiên, trính được đúc bằng bê tông vững chắc. Nhà Tổ được bài trí một bàn thờ 7 bài vị bằng gỗ của các đời trụ trì cùng tượng Giám Trai.
Giá trị lịch sử
Hiện nay Long Ấn Cổ Tự còn lưu giữ được một số tượng gỗ mít, đại hồng chung đúc tháng 7 năm Mậu Ngọ, trống và hệ thống hoành phi, liễn đối có giá trị về mặt lịch sử cũng như về nghệ thuật chạm khắc của nghệ nhân dân gian xưa. Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 4 âm lịch, dân làng tề tựu về chùa làm lễ giỗ Tổ, tưởng nhớ người có công khai sơn tạo tự. Bằng khả năng của mình Ban Tế tự cùng quý thầy của Đạo Tràng Long An, quý Phật tử và nhân dân vẫn không ngừng phụng sự chánh pháp, cùng nhau xây dựng và gìn giữ Long Ấn Cổ Tự làm nơi chiêm bái cho Phật tử gần xa.
Tham khảo
- http://dongnai.vncgarden.com/chua-o-dhong-nai/bien-hoa/long-an-co-tu
- https://phathocdoisong.com/dong-nai-le-cau-nguyen-trung-tu-chua-long-an-dinh-quan.html
- http://phatgiaodongnai.org/chua-long-an-co-tu-phuong-buu-long.html
- http://dongnai.vncgarden.com/diemden/chua-co-so-ton-giao/bien-hoa/long-an-co-tu