Màng nhĩ là bộ phận không thể thiếu của con người, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về chức năng và cấu tạo của màng nhĩ. Đây chính là lý do khiến cho nhiều người mắc phải các bệnh lý về màng nhĩ mà không biết cách phòng tránh. Nếu vẫn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Vị trí của màng nhĩ
Màng nhĩ của con người có hình dạng giống như một chiếc màng mỏng. Bên ngoài màng nhĩ được bao bọc bởi da, còn mặt trong được che phủ bằng một lớp niêm mạc. Nếu soi đèn vào tai, bạn sẽ thấy ánh lên màu xám nhẹ của màng nhĩ, hơi mỏng và trong suốt. Bộ phận này ở ngay vị trí giữa ống tai ngoài và tai giữa để ngăn cách, nằm nghiêng nhẹ so với thành dưới ống tai ngoài một góc khoảng 55 độ.
Trung bình, đường kính thẳng đứng của người trưởng thành là khoảng 9 - 10mm. Trong khi đó, đường kính ngang sẽ dài khoảng 8 - 9mm. Khi mới sinh ra, màng nhĩ của trẻ thường khá mỏng và có độ đàn hồi cao. Khi đạt đến độ tuổi trưởng thành, màng nhĩ bắt đầu cứng lại và dày hơn đáng kể.
Cấu tạo của màng nhĩ
Dù có kích thước khá nhỏ nhưng cấu tạo của màng nhĩ lại vô cùng phức tạp. Các chuyên gia y tế đã chia màng nhĩ ra thành 2 phần cơ bản, được giới hạn bởi nếp búa trước và nếp búa sau. Đó là:
- Phần chùng ở trên: Đây là vùng da nhỏ, mềm, mỏng và nối liền với khuyết nhĩ bằng một đoạn xương đá.
- Phần căng ở dưới: Đây mới là phần chính cấu tạo nên màng nhĩ. Nó có cấu tạo khá dày, cứng hơn so với phần chùng trên nên có thể bám chắc vào rãnh nhĩ chỉ với một vòng sụn sợi.
Xét về các lớp, màng nhĩ được chia thành 4 lớp xếp liên tiếp với nhau từ ngoài vào trong, bao gồm:
- Lớp da dính trực tiếp với da của ống tai ngoài.
- Hai lớp sợi cứng với lớp ngoài được đan vào nhau thành hình nan hoa, còn lớp trong xòe ra giống như một vòng tròn mở rộng. Đây được coi là lớp bảo vệ chính của màng nhĩ, có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn từ môi trường bên ngoài. Đồng thời, tránh để không khí và nước lọt vào bên trong tai gây nhiễm trùng.
- Lớp niêm mạc hòm nhĩ nằm ở vị trí sâu nhất, chạm đến tận khoang tai giữa.
Để màng nhĩ phát huy được chức năng, không thể thiếu được vai trò của mạch máu. Tại đây, mạch máu bắt đầu phân nhánh từ động mạch hàm. Nó chia thành 2 hướng chính là động mạch tai sau và động mạch nhĩ trước, chịu sự chi phối của thần kinh hàm dưới, thần kinh lang thang và thần kinh thiệt hầu.
Chức năng của màng nhĩ
Với cấu tạo phức tạp kể trên, màng nhĩ phục vụ chủ yếu cho mục đích chuyển tải âm thanh từ môi trường bên ngoài đến não bộ. Âm thanh từ bên ngoài khi đi vào trong tai sẽ đập vào xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Lúc này, âm thanh sẽ được truyền ngược lại vào bên trong ốc tai chứa đầy dịch lỏng thông qua cửa sổ hình bầu dục. Qua quá trình này, những rung động bên trong không khí sẽ được khuếch đại lên một cách đáng kể.
Bên cạnh đó, các chuỗi xương nhỏ có tác dụng như một đòn bẩy, nhằm tăng áp suất của âm thanh lên gấp 1,3 lần. Từ vị trí này, rung cơ học đã thành xung điện truyền thông tin lên não bộ.
Thủng màng nhĩ: Bệnh lý về màng nhĩ thường gặp
Thủng màng nhĩ là tình trạng màng nhĩ xuất hiện lỗ hổng hoặc vết rách do chấn thương hoặc bệnh viêm tai giữa gây ra. Nếu màng nhĩ bị tổn thương trong thời gian dài mà không được điều trị kịp thời thì tình trạng nhiễm trùng tai giữa sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau tai, ù tai, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí là mất thính lực hoàn toàn.
Vậy thủng màng nhĩ có tự liền lại được không? Thông thường, màng nhĩ bị thủng nhẹ sẽ tự lành lại chỉ trong vài tuần. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm phẫu thuật vá màng nhĩ để điều trị bệnh một cách triệt để.
Khi nào nên thăm khám bác sĩ?
Do các triệu chứng của bệnh thủng màng nhĩ thường không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với các tình trạng tổn thương tai khác. Tuy nhiên, các bác sĩ đã cảnh báo rằng bạn cần đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế nếu phát hiện ra các dấu hiệu bất thường như:
- Cảm thấy đau nhói trong tai, ù tai xuất hiện đột ngột và kéo dài.
- Chảy máu tai, chóng mặt, buồn nôn.
- Suy giảm khả năng nghe.
- Nhiễm trùng màng nhĩ có thể gây sốt và hình thành mủ.
Tình trạng đau nhức có thể được cải thiện bằng việc sử dụng thuốc giảm đau loại paracetamol hoặc ibuprofen. Ngoài ra, nếu màng nhĩ bị viêm, nhiễm trùng, bệnh nhân cũng cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu thủng màng nhĩ nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến thính lực thì bệnh nhân cần được can thiệp bằng biện pháp mổ vá màng nhĩ để nâng cao khả năng hồi phục.
Làm sao để bảo vệ màng nhĩ?
Như đã nói ở trên, màng nhĩ có cấu tạo là một lớp màng mỏng nên rất dễ bị tổn thương khi có sự tác động của âm thanh lớn, dị vật hoặc các chấn thương ở đầu. Để bảo vệ màng nhĩ, bạn cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau trong quá trình sinh hoạt hàng ngày:
- Dùng nút bảo vệ tai ở nơi có âm thanh quá lớn.
- Hạ thấp âm lượng tai nghe, tránh sử dụng tai nghe trong thời gian quá dài.
- Thường xuyên vệ sinh tai và lau khô sau khi tiếp xúc với nước để tránh nước đọng trong tai quá lâu.
- Dùng dụng cụ che tai khi đi bơi.
- Không nên làm sạch ống tai quá mức để hạn chế tình trạng kích ứng và nhiễm khuẩn ống tai.
- Điều trị triệt để các bệnh lý về tai, mũi, họng để tránh bệnh tiến triển thành viêm tai giữa.
- Tránh xa những nơi đông người khi ngoáy tai, tránh va đập gây chảy máu tai hoặc thủng màng nhĩ.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đặc biệt là các chất tốt cho khả năng nghe như: Kẽm, magie,...
- Tránh xa rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã nắm được những thông tin cơ bản về cấu tạo, vị trí, chức năng và cách làm giảm nguy cơ tổn thương màng nhĩ. Hãy chia sẻ ngay bài viết này đến người thân và bạn bè xung quanh để nâng cao kiến thức trong quá trình chăm sóc bản thân và gia đình nhé!