Thanh Hà
Theo giới quan sát, những diễn biến của chính trị Việt Nam đầu năm 2024, với những tin tức gây bất ngờ và đáng chú ý. Sự vắng mặt bất thường của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều tuần, cùng những đồn đoán khác nhau về sức khỏe của người đứng đầu đảng CSVN là tin tức hàng đầu, cả các hãng tin quốc tế có uy tín cũng phải tìm hiểu và đưa tin.
Vậy mà sự kiện công an ở Sài Gòn bắt ông Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, là một sự kiện chấn động dư luận và giới truyền thông ở Việt Nam. Tin về sức khỏe của ông Trọng, một tin hàng đầu, lập tức biến mất trên mạng xã hội.
Vì sao lại có hiện tượng lạ kỳ như vậy, và câu hỏi, “Tại sao sai phạm của ông Nguyễn Công Khế xảy ra cách đây hơn 15 năm bị lôi ra xử lý?” Trong khi hàng loạt sai phạm của các vụ bán công sản tương tự như thế còn rất nhiều? Có lẽ sẽ là câu trả lời.
Ông Nguyễn Công Khế là người lâu nay nổi danh vì có mối quan hệ đặc biệt với các lãnh đạo cấp cao trong bộ máy quyền lực của đảng CSVN. Thông qua đám tang của cụ bà Lê Thị Liễu, mẹ của ông Khế, và qua “Lời Cảm Tạ” được đăng trên báo Thanh Niên ngày 5 Tháng Chín, 2007, có ý kiến cho rằng, “…Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế!”
Nói như vậy để thấy, từ lâu, ông Khế được đánh giá là nhân vật “Vua biết mặt, chúa biết tên,” một nhân vật đình đám trong làng truyền thông Việt Nam.
Xung quanh việc bắt ông Khế, không phải do cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công An tiến hành, mà lại để cho công an ở Sài Gòn đảm trách là điều đáng quan tâm. Điều đó cho thấy, có những thế lực trong đảng, muốn giảm sự chú ý và tầm quan trọng của sự kiện “đình đám” khi cho bắt ông Khế.
Theo giới thạo tin, việc đưa ra lý do bắt ông Khế vì các sai phạm liên quan đến khu đất 151-155 Bến Vân Đồn, quận 4, chỉ là cái cớ. Kể cả những tin đồn đoán cho rằng, có những thế lực chính trị muốn bắt ông Khế để khai thác thông tin, qua đó tìm cách khống chế quyền lực của phe miền Nam đang tìm cách trỗi dậy.
Theo đó, thông qua ông Khế - một mắt xích và là trung tâm trong mối liên hệ của các chính trị gia phe quyền lực miền Nam - sẽ moi được những thông tin có giá trị và từ đó để các thế lực đang nắm quyền lực hiện nay khống chế ý đồ “nổi loạn” của các chính trị gia như Trương Tấn Sang (Tư Sang), Nguyễn Tấn Dũng (Ba Dũng), Nguyễn Minh Triết… hay các nhân vật lãnh đạo mới nổi ở Sài Gòn cũng như các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, mới đây, loạt bài viết với tiêu đề “Nguyễn Công Khế và hai lần thoát chết” trên báo Tiếng Dân Online của tác giả Thu Hà cho thấy, trước đây, dự định bắt ông Khế là “Kế hoạch báo thù của các đàn em cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.” Theo tác giả, cụ thể đó là kế hoạch của Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng, lúc đó là thứ trưởng Bộ Công An, cố vấn an ninh và tôn giáo, một nhân vật thân cận của ông Dũng.
Bài viết của nhà báo Thu Hà giúp cho người ta thấy một điều bí mật ít ai biết, đó là cơ quan an ninh của Bộ Công An đã bền bỉ theo đuổi trong suốt hơn 15 năm để bắt bằng được ông Khế để báo thù (!?). Cụ thể, với hai lần trước đó từng bắt hụt Khế với nhiều lý do khác nhau. Song cuối cùng, “Lần thứ ba, bất quá tam, chiều 16 Tháng Giêng, ông Khế mạt vận, đành tra tay vào còng, chấm hết một thời huy hoàng và ‘ngạo nghễ.’”
Quan trọng hơn cả là việc lâu nay sự mâu thuẫn giữa ông Trọng và ông Dũng luôn luôn có sự góp mặt của ông Trương Tấn Sang, khi đó là chủ tịch nước. Ông Sang luôn sát cánh với ông Trọng để chống lại ông Dũng.
Tuy nhiên, kể từ sau đại hội đảng lần thứ 12 (2016), với sự thất bại của ông Dũng trong cuộc chạy đua vào ghế tổng bí thư, ông phải chấp nhận thua cuộc để trở về làm người tử tế. Khi đó ai cũng nghĩ rằng, cuộc chiến giữa ông Sang và ông Dũng đã chấm dứt và rơi vào dĩ vãng. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy.
Trong quá khứ, cuộc chiến tranh giành quyền lực khốc liệt giữa cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, vào năm 2015, trong loạt bài viết “Ba - Tư đại chiến” của tác giả Trềnh A Sáng, đăng trên trang website DCVOnline, cũng tiết lộ nhiều bí mật có liên quan đến ông Nguyễn Công Khế và nhóm báo chí của báo Thanh niên.
Theo tác giả cho biết, “Vũ khí của Tư Sang - đám báo chí tay sai lề phải - đến giờ phút này đã không còn sử dụng được nữa. Một bộ phận bị lực lượng công an của Ba Dũng khống chế, như Tâm Chánh ở Sài Gòn Tiếp Thị, Công Huynh ở Tiền Phong, một bộ phận khác thì lui về với phương sách an toàn là bạn.”
Đó là chưa kể đến việc, ông Nguyễn Công Khế được cho là nằm trong nhóm thực hiện trang “Chân Dung Quyền Lực” xuất hiện đầu năm 2015, đình đám một thời về hậu trường chính trị thời điểm trước đại hội đảng lần thứ 12. Với thủ đoạn “Giương Đông, kích Tây,” “Chân Dung Quyền Lực” đăng hàng chục bài viết, công kích các nhân sự được quy hoạch trước đó hoặc các ứng cử viên sáng giá, kể cả Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng, cũng như Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Hòa Bình… nhưng bỏ qua những bài viết tấn công Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đó là lý do thời điểm đó, ai cũng nghĩ Ba Dũng đứng sau “Chân Dung Quyền Lực,” mà ít ai nghĩ ông Khế là người chơi chiêu “gắp lửa bỏ tay Ba Dũng.”
Căn cứ để khẳng định sự góp mặt của ông Khế trong trang blog “Chân Dung Quyền Lực,” đó là việc blog này đã loan báo chính xác ngày giờ của chuyến bay đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam ngày 9 Tháng Giêng, 2015, trong khi hầu hết giới chức tại Việt Nam, kể cả những người trong Ủy Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương cũng như giới lãnh đạo tại Đà Nẵng đều không biết. Đừng quên ông Nguyễn Công Khế là người Quảng Nam.
Cũng trong bài viết của tác giả Thu Hà, trong vụ án Năm Cam, “…các nhân vật khét tiếng một thời như Trần Mai Hạnh, tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam; Phạm Sỹ Chiến, phó viện trưởng Viện KSND Tối Cao; Bùi Quốc Huy, thứ trưởng Bộ Công An; và một số sĩ quan công an cao cấp khác của ngành này, bị báo Thanh Niên của ôngNguyễn Công Khế, bôi bẩn, ‘đánh’ bầm dập và ‘xào nấu’ thành đủ thứ xấu xa, phơi bày ra trước bàn dân, thiên hạ. Chỉ có ông Khế là cao quý, nói cười sảng khoái, ngước nhìn trời xanh.”
Tác giả cho rằng, phàm ở đời, khi anh giẫm lên đầu người khác để bước, thì oán thù cũng theo đó mà chồng chất. Đó là lý do vì sao tay chân của Tướng Nguyễn Văn Hưởng đã lên kế hoạch từ lâu, sẽ đưa ông Khế vào tù với một trong ba tội danh: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 BLHS; “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo Điều 263 BLHS, và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 BLHS.
Câu chuyện liên quan đến việc bắt giam ông Khế tạm kết ở đây. Chúng tôi sẽ trở lại với quý bạn đọc trong những phần sau. Để kết thúc bài viết, xin mượn lời tác giả Trềnh A Sáng cho rằng, trong các cuộc đấu ấy, các phe nhóm cũng chỉ để triệt hạ lẫn nhau, chứ không vì lợi ích quốc gia. Nhưng bất luận thế nào, như nhà thơ Nguyễn Duy từng nói, “Bên nào thắng thì nhân dân đều bại” và người dân chúng ta luôn không có phần ở đó. [đ.d.]