Lý thuyết Hóa 8 Bài 28: Không khí - Sự cháy
Bài giảng Hóa 8 Bài 28: Không khí - Sự cháy
I. Không khí
1. Thành phần của không khí
- Không khí là một hỗn hợp khí trong đó oxi chiếm khoảng 1/5 thể tích, chính xác hơn là khí oxi chiếm 21% thể tích không khí, phần còn lại hầu hết là khí nitơ.
- Các khí khác (hơi nước, CO2, khí hiếm, bụi khói,…) chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1%.
Hình 1: Thành phần phần trăm thể tích không khí
2. Bảo vệ không khí trong lành, tránh ô nhiễm
- Không khí bị ô nhiễm không những gây tác hại đến sức khỏe con người và đời sống của động vật, thực vật,… mà còn phá hoại dần các công trình xây dựng như nhà cửa, cầu cống và các di tích lịch sử …Vì vậy, chúng ta cần bảo vệ không khí trong lành.
Hình 2: Không khí bị ô nhiễm
- Biện pháp bảo vệ không khí trong sạch:
+ Xử lí chất thải của các nhà máy, lò đốt, các phương tiện giao thông để hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa vào khí quyển các khí có hại, bụi, khói …
+ Bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng nhiều cây xanh.
+ Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, nên sử dụng xe đạp hoặc phương tiện công cộng.
II. Sự cháy và sự oxi hóa chậm
1. Sự cháy
- Sự cháy là sự oxi hóa có tỏa nhiệt và phát sáng.
- Sự cháy của một chất trong không khí và trong khí oxi có bản chất giống nhau, đều là sự oxi hóa.
- Sự khác nhau giữa sự cháy trong khí oxi và trong không khí: cháy trong không khí diễn ra chậm hơn, tạo nhiệt độ thấp hơn trong oxi.
Giải thích: Do trong không khí còn có nitơ với thể tích gấp 4 lần oxi, làm diện tích tiếp xúc của vật với oxi ít nên sự cháy diễn ra chậm hơn. Đồng thời, nhiệt tiêu hao còn dùng để đốt nóng khí nitơ nên nhiệt độ đạt được thấp hơn.
2. Sự oxi hóa chậm
- Là sự oxi hóa có tỏa nhiệt nhưng không phát sáng.
Ví dụ: sắt để lâu trong không khí bị gỉ.
- Trong điều kiện nhất định, sự oxi hóa chậm có thể chuyển thành sự cháy, gọi là sự tự bốc cháy.
- Trong nhà máy, người ta cấm không được chất giẻ lau máy có dính dầu mỡ thành đống đề phòng sự tự bốc cháy.
3. Điều kiện phát sinh và các biện pháp dập tắt sự cháy
- Điều kiện phát sinh sự cháy:
+ Chất phải nóng đến nhiệt độ cháy.
+ Phải có đủ khí oxi cho sự cháy.
- Muốn dập tắt sự cháy, ta cần thực hiện một hay đồng thời cả hai biện pháp sau:
+ Hạ nhiệt độ của chất cháy xuống dưới nhiệt độ cháy;
+ Cách li chất cháy với khí oxi.
Trắc nghiệm Hóa 8 Bài 28: Không khí - sự cháy
Câu 1: Quá trình nào dưới đây không làm giảm lượng oxi trong không khí?
A. Sự gỉ của các vật dụng bằng sắt.
B. Sự cháy của than, củi, bếp ga.
C. Sự quang hợp của cây xanh.
D. Sự hô hấp của động vật.
Câu 2: Khi thổi không khí vào nước nguyên chất, dung dịch thu được hơi có tính axit. Khí nào sau đây đã gây nên tính axit đó?
A. Cacbon đioxit
B. Hiđro
C. Nitơ
D. Oxi
Câu 3: Câu nào đúng khi nói về không khí trong các câu sau?
A. Không khí là một nguyên tố hoá học.
B. Không khí là một đơn chất.
C. Không khí là một hỗn hợp có chứa nhiều chất khí, trong đó có khí oxi và khí nitơ.
D. Không khí là hỗn hợp của 2 khí là oxi và nitơ.
Câu 4: Sự oxi hoá chậm là
A. Sự oxi hoá mà không toả nhiệt.
B. Sự oxi hoá mà không phát sáng.
C. Sự oxi hoá có toả nhiệt nhưng không phát sáng.
D. Sự tự bốc cháy.
Câu 5: Trong không khí, oxi chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm về thể tích?
A. 21%
B. 79%
C. 21%
D. 0%
Câu 6: Trường hợp nào sau đây có thể xảy ra sự tự bốc cháy?
A. Chất giẻ lau có dính dầu mỡ thành đống.
B. Để xăng dầu trong không khí.
C. Sắt để trong không khí lâu ngày.
D. Que diêm để gần vỏ bao diêm.
Câu 7: Trong không khí, nitơ chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm về thể tích?
A. 21%
B. 78%
C. 21%
D. 0%
Câu 8: Phương pháp nào sau đây có thể dùng để dập tắt đám cháy do xăng dầu gây ra?
A. Quạt.
B. Phủ chăn bông hoặc vải dày.
C. Dùng nước.
D. Dùng cồn.
Câu 9: Bản chất của phản ứng cháy là:
A. Cần có oxi.
B. Sản phẩm tạo ra có mùi hắc.
C. Là phản ứng luôn không phát sáng.
D. Là phản ứng thu nhiệt.
Câu 10: Để bảo vệ không khí trong lành chúng ta nên làm gì?
A. Chặt cây xây cầu cao tốc.
B. Đổ chất thải chưa qua xử lí ra môi trường.
C. Trồng cây xanh.
D. Xây thêm nhiều khu công nghiệp.
Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Hóa lớp 8 đầy đủ, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 29: Bài luyện tập 5
Lý thuyết Bài 31: Tính chất - Ứng dụng của hiđro
Lý thuyết Bài 32: Phản ứng oxi hóa - khử
Lý thuyết Bài 33: Điều chế khí hiđro - Phản ứng thế
Lý thuyết Bài 34: Bài luyện tập 6